Mở rộng thời gian kê đơn thuốc lên 90 ngày, không áp dụng đại trà
Bộ Y tế ban hành Thông tư 26/2025/TT-BYT cho phép bác sĩ kê đơn thuốc tối đa 90 ngày với một số bệnh mạn tính. Tuy nhiên, không áp dụng đại trà.
Kê đơn thuốc dài hạn cho bệnh nhân mạn tính. Ảnh: Thùy Linh
Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, quy định kê đơn tối đa 90 ngày xuất phát từ thực tiễn điều trị lâu dài, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Nhiều cơ sở y tế đã đề xuất Bộ Y tế cho phép kê đơn dài ngày để giảm tần suất tái khám và đảm bảo điều trị liên tục, hiệu quả.
Trước khi ban hành quy định kê đơn dài ngày, Bộ Y tế đã cùng các hội đồng chuyên môn, các bệnh viện tuyến cuối và đơn vị liên quan phân tích kỹ các mặt lợi – hại của chính sách.
Các bệnh viện đầu ngành được giao đề xuất bệnh, nhóm bệnh cần áp dụng kê đơn dài ngày cũng phải cân nhắc kỹ nguy cơ và lợi ích cụ thể theo từng trường hợp.
Bộ Y tế đã đưa ra một số rủi ro cần kiểm soát như: người bệnh không bảo đảm điều kiện bảo quản thuốc; không được theo dõi sát tác dụng không mong muốn; bệnh tiến triển cần điều chỉnh phác đồ nhưng chưa kịp đánh giá lại; hoặc người bệnh mất, không sử dụng hết thuốc gây lãng phí… Những yếu tố này đã được tính đến trong quá trình xây dựng chính sách.
"Về mặt thực thi, quy định này không áp dụng đại trà, mà bác sĩ phải đánh giá đầy đủ tình trạng lâm sàng, tiên lượng ổn định mới được kê đơn kéo dài. Đồng thời, người bệnh và gia đình cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong tuân thủ điều trị, bảo quản thuốc đúng cách và theo dõi các dấu hiệu bất thường để kịp thời tái khám khi cần", ông Dương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dương, một số cơ sở y tế tuyến cơ sở, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, có thể gặp thách thức trong việc đảm bảo cung ứng đủ thuốc khi số lượng thuốc kê mỗi lần tăng gấp ba so với trước đây. Ngoài ra, một số loại thuốc chuyên khoa có thể chưa phổ biến hoặc thiếu tại địa phương ở một số thời điểm nhất định.
Danh mục bệnh áp dụng kê đơn 90 ngày chủ yếu là các bệnh mạn tính phổ biến, với nhiều biệt dược, hoạt chất thay thế tương đương nhau. Các bệnh hiếm, phức tạp – như ung thư hay bệnh huyết học đặc biệt – vẫn chủ yếu điều trị tại tuyến trung ương, nên không gây áp lực quá lớn cho tuyến dưới.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục ban hành các hướng dẫn chuyên môn cụ thể, đồng thời hỗ trợ các địa phương trong việc nâng cấp phần mềm quản lý đơn thuốc, cải tiến quy trình kê đơn, đồng bộ hệ thống giám sát để theo dõi hiệu quả thực hiện. Các đơn vị chủ động rà soát, dự trù cơ số thuốc hợp lý theo thực tế kê đơn, nhằm đảm bảo người bệnh được cấp phát đầy đủ, không bị gián đoạn trong điều trị.