• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia tăng ca bệnh, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết giảm, tuy nhiên Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh này đang có dấu hiệu gia tăng.

Gia tăng ca bệnh, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Thành Dương

Ca mắc sốt xuất huyết gia tăng ở nhiều địa phương

Thời điểm này không chỉ Hà Nội, TPHCM mà tại các địa phương số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng dần.

Thông tin từ Sở Y tế TP Hải Phòng, tuần qua địa phương này ghi nhận 140 ổ dịch sốt xuất huyết mới và 991 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tích lũy từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 4.571 trường hợp mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong, số mắc tăng 47,1 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Tình hình sốt xuất huyết tại các tỉnh Tây Nguyên cũng đang rất phức tạp khi từ đầu năm đến nay, toàn khu vực đã ghi nhận gần 5.000 ca mắc.

Tại Hà Nội, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, trong tuần từ ngày 12-19.7, trên địa bàn thành phố ghi nhận 118 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 trường hợp so với tuần trước đó). Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.283 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 39 ổ dịch. Hiện còn 20 ổ dịch đang hoạt động. CDC TP Hà Nội dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Tại TPHCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) thông tin, trong tuần 29 năm 2024, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tăng 31% so với 4 tuần trước đó. Trong tuần 29 (từ ngày 15 - 21.7), TPHCM ghi nhận thêm 167 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, các quận, huyện có số ca mắc cao nhất gồm Quận 1, TP Thủ Đức và Quận 7. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 29 tại TPHCM là 4.599 ca.

Báo cáo tổng hợp công tác dịch bệnh của Bộ Y tế cho thấy, tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 41.905 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 5 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023 số mắc giảm 1,2 lần, tử vong giảm 6 ca.

Xuất hiện những ca nặng, không thể chủ quan

ThS.BS Trần Văn Bắc - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết, tại viện đã điều trị cho ca mắc sốt xuất huyết nặng. Như trường hợp bệnh nhân nữ, 53 tuổi ở tại Đan Phượng, Hà Nội nhập cơ sở y tế gần nhà do sốt cao, đau đầu...

Sau 7 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân không được cải thiện. Chụp cắt lớp phổi cho thấy các đám đông đặc rải rác, có nhiều ổ áp xe ở trong phổi... Kết quả cấy máu ra vi khuẩn tụ cầu vàng kháng Meticillin (tụ cầu kháng thuốc). Sau thời gian điều trị tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã dần ổn định sức khỏe, không cần thở ôxy và giảm sốt.

Theo TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến khá phức tạp. Trên phạm vi cả nước, đang trong giai đoạn thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều; đồng thời cũng đang trong dịp cao điểm du lịch hè 2024, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với sởi, một số bệnh dự phòng bằng vaccine và sốt xuất huyết (đã bắt đầu vào giai đoạn cao điểm).

Do đó, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước; thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định, trước tình hình dịch bệnh các địa phương, cơ sở y tế tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus mang Dengue có trong muỗi vằn lây truyền từ người này sang người khác qua vết cắn của muỗi. Có 4 type huyết thanh là D1, 2, 3 và 4. Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 5 ngày. Diễn biến lâm sàng trải qua 3 giai đoạn: Từ ngày thứ 1 đến ngày 3 là giai đoạn sốt, ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm, từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 là giai đoạn hồi phục. Có 2 cơ chế bệnh sinh có thể dẫn đến nguy hiểm. Thứ nhất virus khi tấn công vào cơ thể sẽ ức chế tủy xương gây hạ tiểu cầu, từ đó sẽ dẫn đến xuất huyết. Thứ hai, virus làm tổn thương thành mao mạch, gây tăng tính thấm làm thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch, hậu quả cô đặc máu, từ đó bệnh nhân có thể sốc do giảm thể tích tuần hoàn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...