Gia tăng bệnh về da trong mùa mưa, triều cường ở TPHCM
Mùa mưa tại Nam Bộ và TPHCM cùng với nước ngập do triều cường là thời điểm thích hợp bùng phát nhiều bệnh về da. Tại các bệnh viện ở TPHCM, thời điểm này, nhiều người đến khám bệnh về da như viêm da kích ứng, chàm, nhiễm nấm, ghẻ lở…
Ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM, nhiều người bệnh đến khám da liễu do nước ngập triều cường, mưa kéo dài. Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, những ngày tới, TPHCM và các tỉnh, thành Nam Bộ sẽ có mưa với xác suất từ 65-70%.
TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích - Trưởng chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM - cho biết, số ca mắc các bệnh da do nước ngập, triều cường có xu hướng tăng. Hiện trung bình mỗi ngày, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 và bệnh viện tiếp nhận khoảng 70-80 ca, tăng khoảng 20% so với tháng trước và bằng cùng kỳ năm 2023.
Theo bác sĩ Bích, số ca bệnh da liễu như viêm da kích ứng, chàm (viêm da cơ địa), nhiễm nấm, ghẻ lở… tăng theo thường niên. Điểm chung của người mắc bệnh da trong giai đoạn này là ở các vùng trũng, ven sông, hay tiếp xúc với nguồn nước ngập như quận 7, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè; Cần Giờ. Hóa chất, tạp chất, vi khuẩn, vi trùng, nấm… trong nước thải, rác thải, xác động vật phân hủy từ các cống rãnh, kênh mương, thùng rác, nhà vệ sinh bị ngập hòa lẫn với nước mưa, nước sông tràn lên nhiều tuyến đường, nhà dân gây ô nhiễm, mất vệ sinh.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nặng hơn như lở loét da, hoại tử da, sẹo xấu, nguy hiểm hơn là nhiễm trùng da, vết thương lâu lành. Nấm có thể lan rộng toàn thân, gây ngứa ngáy diện rộng, giảm chất lượng sống hoặc lây sang các thành viên trong gia đình nếu dùng chung khăn tắm, quần áo, tất...
Bệnh nhân L.P.B (nam, 21 tuổi, quận 7) đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh, quận 7 trong tình trạng 2 chân nhiều vùng dày sừng, nứt nẻ, chảy máu, ngứa và đau nhiều, sốt 39 độ C. Anh B cho biết, bản thân bị viêm da cơ địa mạn tính từ nhỏ nhưng không điều trị liên tục. Những ngày này, khu nhà anh gần kênh Tẻ (quận 7) buổi chiều triều cường gây ngập sâu. Anh B phải ngâm chân trong nước nhiều giờ để kê đồ đạc trong nhà khi nước lên. Bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm trùng trên nền viêm da cơ địa, do tiếp xúc thường xuyên với nguồn nước bẩn.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên đi ủng cao su, đeo găng tay khi tiếp xúc với nước ngập. Sau khi tiếp xúc, nên tắm rửa kỹ với xà phòng, sữa tắm thích hợp. Lau khô cơ thể, nhất là các vùng kẽ ngón, nếp gấp da như bẹn, ngực, nách, cổ để giảm nguy cơ mắc bệnh. Người có tiền căn viêm da cơ địa cần thoa kem dưỡng da cả khi bệnh chưa tái phát. Người bệnh cũng không nên tự đoán bệnh, tự chữa ngứa bằng cách ngâm chân với nước vôi, nước lá cây hay phèn chua…
Bác sĩ Võ Thị Đoan Phượng - Trưởng khoa Lâm sàng 3 Bệnh viện Da Liễu TPHCM - cũng cảnh báo mùa mưa là thời điểm thích hợp bùng phát nhiều bệnh về da, trong đó có bệnh ghẻ - căn bệnh do ký sinh trùng gây ra đang trở thành mối lo thường trực cho nhiều gia đình có trẻ nhỏ.