• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Căng sức chống dịch bệnh, dù khó khăn không nao núng!

Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã giáng những thiệt hại nghiêm trọng không thể bù đắp trên toàn cầu. Việt Nam dù đã chủ động trong ngăn ngừa, phòng chống và đối phó với dịch bệnh cũng không tránh khỏi những tổn thất trước đại dịch. Vượt lên những khó khăn, mất mát, đội ngũ thầy thuốc căng sức ngăn dịch chồng dịch.

Những tưởng sau chuỗi ngày cam go ấy có thể hạ gục sức chiến đấu của những người thầy thuốc. Nhưng không, nén lại tất cả, vượt qua bao khó khăn chồng chất trong đại dịch, những chiến sĩ áo trắng quả cảm lại căng mình "chiến đấu" với những "kẻ thù" quen mặt vô hình như sốt xuất huyết, Adenovirus, cúm mùa và cả dịch bệnh mới nổi trên thế giới có nguy cơ lây lan ở Việt Nam như đậu mùa khỉ… để ngăn chặn bùng phát thành dịch bệnh.

Căng sức chống dịch bệnh, dù khó khăn không nao núng! - Ảnh 1.

Hình ảnh hiển vi của một số bệnh được khám phá tại cuộc triển lãm “Bùng phát: Dịch bệnh trong một thế giới kết nối” tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian. (Hình ảnh của Jeremy Snyde)

Năm 2022, cơn sóng thần Omicron và nhiều biến thể phụ, trong đó có "Omicron tàng hình" BA.2 tạo thành những làn sóng lây nhiễm mới tấn công nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Phi. Tuy nhiên, cơn bão này đã không có cơ hội tàn phá một lần nữa ở Việt Nam khi mà chiến dịch bao phủ vaccine COVID-19 của Chính phủ đã chứng minh hiệu quả.

Việt Nam tiếp cận với vaccine COVID-19 muộn hơn so với nhiều nước nhưng một chiến lược vaccine đúng đắn với giải pháp căn cơ, mang tính quyết định đã giúp chúng ta vượt qua tâm bão COVID-19. Nếu như ngày 29/12/2021 ở nước ta mới có hơn 149,3 triệu liều vaccine được tiêm, trong đó tiêm mũi 1 là hơn 77,5 triệu liều thì đến cuối tháng 12/2022, tại Việt Nam đã có gần 266 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 được tiêm cho người dân. Tính đến ngày 14/2/2023, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.204.689 liều và đã 45 ngày trôi qua, Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.

Căng sức chống dịch bệnh, dù khó khăn không nao núng! - Ảnh 2.

Toàn ngành y chủ động ngăn ngừa các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát sau đại dịch COVID-19.

Những ám ảnh về một đại dịch kinh hoàng không còn thường trực trong nỗi lo của người dân, mọi thứ đã vận hành và dần phục hồi trở lại, trẻ em lại cắp sách đến trường, người lớn trở lại công sở, chợ búa nhộn nhịp giao thương... Đó cũng là một phần công sức lớn lao của những chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến đấu với đại dịch, góp phần đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới". Bao lượt y bác sĩ lần lượt đứng trên tuyến đầu chống dịch, căng mình ở những nơi dịch khốc liệt nhất để chăm sóc, điều trị cho người bệnh, tạm gác những nỗi niềm riêng tư của bản thân...

Nhìn lại hơn 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát và gây hệ lụy nghiêm trọng trên toàn cầu và nước ta, những "chiến sĩ áo trắng", "anh hùng khoác áo Blouse" luôn là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, về y đức, về sự quả cảm, về tấm lòng nhân ái...

Căng sức chống dịch bệnh, dù khó khăn không nao núng! - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Chương trình kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2022 với chủ đề "Chiến sĩ áo trắng". Áp lực khi dịch chồng dịch trên thế giới

Áp lực khi dịch chồng dịch trên thế giới

Một kịch bản "dịch chồng dịch" dù được dự đoán trước vẫn xảy ra với nhiều nước trên thế giới, COVID-19 khiến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người suy yếu đi, còn chưa thể phục hồi trở lại thì thế giới mà trong đó Mỹ cùng với châu Âu phải đối phó ở mức cao với sự lan rộng của dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Ngành y tế Việt Nam đã sớm vào cuộc chiến ngăn ngừa dịch chồng dịch này, ngay từ khi Tổ chức Y tế Thế giới công bố đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ, lập tức Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2099/QĐ-BYT về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người, phân tuyến điều trị và đặc biệt nhanh chóng triển khai các nội dung điều tra, báo cáo ca bệnh, thực hiện thông tin, báo cáo theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm… Nội dung báo cáo ca bệnh xác định được gửi về Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định trường hợp bệnh nhiễm virus đậu mùa khỉ.

Căng sức chống dịch bệnh, dù khó khăn không nao núng! - Ảnh 4.

Ngành y tế nhanh chóng xử lý không để đậu mùa khỉ lây lan.

Kể từ khi phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Y tế đã nhanh chóng tổ chức họp khẩn với các bệnh viện, trung tâm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và tổ chức đoàn công tác khảo sát, kiểm tra công tác kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và kiểm tra công tác cách ly, điều trị, phòng chống lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới… để dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng.

Chủ động phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bệnh

Năm 2022 cũng là năm mà Mỹ và nhiều nước ở châu Âu phải chống đỡ cùng lúc dịch cúm mùa và dịch bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV) - một loại virus đường hô hấp phổ biến gây viêm phế quản hoặc viêm phổi và có thể dẫn tới tử vong.

Việc cảnh báo dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ trở lại và bùng phát sau đại dịch COVID-19 đang dần trở thành sự thật. Cúm, Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp, Adenovirus có số ca mắc gia tăng. Những lúc đó, khi người dân hoang mang, lo lắng thì hơn bao giờ hết những người thầy thuốc càng trở nên bình tĩnh, quyết đoán trong đối phó và kiểm soát dịch bệnh.

Căng sức chống dịch bệnh, dù khó khăn không nao núng! - Ảnh 5.

Chăm sóc trẻ bị Adenovirus. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Bộ Y tế nhanh chóng đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.

Các địa phương chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo.

Hướng dẫn người chăm sóc bệnh nhân về nguy cơ nhiễm bệnh và các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh; không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh do virus Adeno trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó tập trung vào các nội dung khuyến cáo phòng chống lây nhiễm...

Căng sức chống dịch bệnh, dù khó khăn không nao núng! - Ảnh 6.

Adenovirus.

Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch cúm mùa, COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác, triển khai xử lý các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.

Đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, sàng lọc bệnh, chủ động phát hiện sớm các trường hợp viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi không rõ nguyên nhân…

"Chưa bao giờ lực lượng y tế dự phòng vất vả như thời gian qua, nhưng các đồng chí đã nỗ lực, vượt khó cùng các địa phương thực hiện phòng chống dịch COVID-19, cũng như trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh khác, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân trên địa bàn"

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Chưa hết, số ca sốt xuất huyết ở Timor-Leste gia tăng đáng kể hàng ngày về số ca mắc sốt xuất huyết và tỷ lệ nhập viện bất thường so với những năm trước. Theo ước tính của WHO có tới 50-100 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue hằng năm ở trên 100 nước có bệnh dịch lưu hành, tức là gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh.

Trong khi đó, tại Đông Nam Á, số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng mạnh ở hầu hết các quốc gia với tổng số ca mắc lên tới gần nửa triệu ca, trong đó có hàng trăm trường hợp tử vong. Đó cũng là những tháng cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam.

Những áp lực công việc, sức khỏe và tính mạng người bệnh lại đè nặng trên vai người thầy thuốc, vừa căng sức điều trị vừa vất vả dự phòng để sốt xuất huyết không bùng phát và lan rộng khắp.

Căng sức chống dịch bệnh, dù khó khăn không nao núng! - Ảnh 8.

Những ngày bệnh viện trở nên quá tải vì số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng. Ảnh: Bệnh viện E Trung ương

Năm 2022, ngành y tế tăng cường công tác dự phòng, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, đặc biệt là kiểm soát tình hình dịch COVID-19 với tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới.

Thực hiện nhiệm vụ kép, bảo đảm an toàn cho bệnh viện, phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới. Tăng cường năng lực ngay tại cơ sở, thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng thuận lợi, kịp thời.

Năm 2022, ngành y tế tăng cường công tác dự phòng, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, đặc biệt là kiểm soát tình hình dịch COVID-19 với tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới.

Thực hiện nhiệm vụ kép, bảo đảm an toàn cho bệnh viện, phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới. Tăng cường năng lực ngay tại cơ sở, thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng thuận lợi, kịp thời.

"Tôi sẽ giữ tinh khiết cho đời tôi và cho nghề nghiệp của tôi!"

Khép lại 2022 với những nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành y, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, các bệnh như sốt xuất huyết, Adenovirus, cúm mùa... không bùng phát dữ dội và nguy cơ hiện hữu về dịch chồng dịch đã được đẩy lùi. Làm nên thành quả ấy là những cố gắng lớn lao của đội ngũ những người làm công tác y tế, của những người khoác trên mình chiếc áo blouse tinh khiết - Họ chính là những mảnh ghép đặc biệt trong bức tranh đầy hy vọng!

Căng sức chống dịch bệnh, dù khó khăn không nao núng! - Ảnh 10.

"Mỗi người chiến sĩ áo trắng chúng tôi xác định mình cần phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mỗi người là một mảnh ghép, cùng làm tròn vai chúng tôi sẽ hoàn thiện được bức tranh tổng thể, sẽ góp phần dẫn tới thắng lợi cuối cùng của cả cuộc chiến" - đó là tâm sự của BS. Trần Nam Chung, BV E Trung ương khi lên đường vào miền Nam tham gia chống dịch COVID-19 khi ấy đang trong giai đoạn cam go. Tâm sự này dường như đã nói thay cho bao đồng đội, đồng nghiệp trong ngành y của anh!

Giai đoạn khốc liệt chiến đấu với đại dịch COVID-19 đã qua nhưng không ai dám khẳng định nhân loại sẽ yên ổn vì nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, dịch bệnh mới nổi phát sinh rình rập. Và điều đó có nghĩa là khi đa số chúng ta đang bình yên, đang ngon giấc thì có những người thầy thuốc, trong đó có đội ngũ những người làm công tác y tế dự phòng vẫn thầm lặng hy sinh vì sức khỏe nhân dân.

Vất vả, mệt mỏi, căng thẳng, lo âu – không thể diễn tả hết bao nhọc nhằn của ngành y, của những người thầy thuốc. Một 2021 có những mất mát và một 2022 gồng mình trước bao đe dọa của dịch bệnh, đội ngũ y, bác sĩ xứng đáng là những anh hùng trong thời bình. Dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng khó khăn không làm họ nao núng, không chùn bước trước nghề đã chọn, trước sinh mệnh của đồng bào và vì một lời thề Hippocrates: "... tôi sẽ giữ tinh khiết cho đời tôi và cho nghề nghiệp của tôi!".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...