• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bổ ích buổi truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên

Buổi truyền thông đã cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức bổ ích về tuổi dậy thì, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi tâm sinh lý, cách để tránh bị lạm dụng tình dục, tránh việc mang thai ngoài ý muốn...

Sáng 29/11, tại Trường THCS Nghi Thái (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), Trung tâm Tư vấn và cung ứng dịch vụ (Cục Dân số - Bộ Y tế) phối hợp với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nghệ An tổ chức Hội nghị truyền thông trực tiếp  CSSKSS-KHHGĐ.

Cùng dự có ông Ngô Đắc Xuân – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và cung ứng dịch vụ, (Cục Dân số - Bộ Y tế), Nguyễn Bá Tân – Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nghệ An.

Bổ ích buổi truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên  - Ảnh 1.

Màn văn nghệ của các em học sinh Trường THCS Nghi Thái

Tuổi vị thành niên từ 10 – 19 tuổi là thời kỳ phát triển đặc biệt với hàng loạt những biến đổi nhanh chóng cả về thể chất, tâm lý và các mối quan hệ xã hội, giai đoạn được xem như "chuyển giao" từ trẻ em thành người trưởng thành.

Ở giai đoạn này, các em rất thích khám phá năng lực bản thân, mở rộng thêm nhiều mối quan hệ mới. Nếu không được tuyên truyền đúng cách, các em rất dễ có các nguy cơ: Quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, dễ bị xâm hại tình dục dẫn đến mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục kể cả HIV/AIDS, mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn…

Bổ ích buổi truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên  - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Hồng (cán bộ Phòng truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ) nói chuyện với các em về tâm sinh lý tuổi dậy thì

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, các em có đặc điểm tâm sinh lý đặc thù như thích thử nghiệm những điều mới mẻ, thích khám phá năng lực bản thân. Vì vậy trong quá trình phát triển, các em liên tục đối mặt với những thách thức cũng như nguy cơ, nếu không được quan tâm, chỉ bảo đúng cách sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ lệch lạc về đạo đức, lối sống, học tập, khả năng phát triển tương lai sự nghiệp của các em, và có tác động rất lớn tới chất lượng dân số của toàn xã hội.

Thực tế cho thấy, trẻ vị thành niên còn thiếu hụt nghiêm trọng kiến thức về sức khỏe sinh sản, chưa hiểu rõ cơ thể của bản thân. Tại nhà trường, mặc dù đã có các môn học như Sinh học, Giáo dục công dân... nhưng những kiến thức mới dừng lại ở lý thuyết. 

Nhu cầu về việc tuyên truyền, phổ biến sức khỏe sinh sản rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mạng internet luôn có tác động hai chiều đến nhận thức của các em, trong đó, thông tin tiêu cực vẫn còn khá nhiều.

Bổ ích buổi truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên  - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Trưởng Phòng truyền thông (Chi cục DS-KHHGĐ Nghệ An) giải đáp các thắc mắc của học sinh về vấn đề nhạy cảm tuổi dậy thì.

Một trong những phương pháp giúp nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi là đẩy mạnh tuyên truyền, có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, nhất là đưa giáo dục giới tính vào môi trường gần gũi nhất đối với các em là trường học.

Để nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các học sinh trong độ VTN/TN các cán bộ Phòng truyền thông (Chi cục DS-KHHGĐ Nghệ An) đã cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức bổ ích về tuổi dậy thì, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi tâm sinh lý, cách để tránh bị lạm dụng tích dục, tránh việc mang thai ngoài ý muốn.

Bổ ích buổi truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên  - Ảnh 4.

Các học sinh hứng thú với những câu hỏi thú vị về thay đổi ở tuổi dậy thì.

Đồng thời giúp các em chuẩn bị tâm thế tốt về vấn đề sức khỏe sinh sản khi còn trên ghế nhà trường.

Tăng cường tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho đối tượng học sinh cũng là một nhiệm vụ được ngành dân số Nghệ An quan tâm. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã tổ chức 24 cuộc ngoại khóa trường học về các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường cho VTN/TN trong các trường Trung học phổ thông và Trung học cơ sở.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết