Bệnh bại liệt tái xuất ở nhiều nước
Reuters cho hay các nhà khoa học của Tổ chức Sáng kiến xóa bỏ bại liệt toàn cầu (GPEI) đang làm việc để tìm hiểu mối liên hệ giữa sự tái xuất của bệnh bại liệt ở London - Anh và New York - Mỹ vừa qua với sự kiện trước đó ở Jerusalem - Israel (tháng 3-2022).
Kết quả sơ bộ cho thấy các virus này tương tự về mặt di truyền. Sự tái xuất của bệnh bại liệt ở New York và Jerusalem sau nhiều thập kỷ bị xóa sổ được đánh dấu bằng ca bệnh cụ thể, ở Anh chỉ mới có virus trong nước thải nhưng nhà chức trách khẳng định phải có ca bệnh.
Theo người đứng đầu về bệnh bại liệt toàn cầu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Derek Ehrhardt, các vụ bùng phát bất thường này có nguồn gốc từ vắc-xin sống giảm độc lực (OPV, dạng uống).
Chất thải của người vừa uống vắc-xin có virus yếu hơn virus bại liệt hoang dã nhưng vẫn đủ gây bệnh. Một số nước như Anh và Mỹ đã chuyển sang vắc-xin bất hoạt IPV (dạng tiêm, không phát tán virus có thể lây lan) nhưng vẫn cần một nỗ lực chuyển đổi toàn cầu.
Trẻ em ở châu Phi uống vắc-xin sống giảm độc lực OPV ngừa bại liệt. Ảnh: WHO
Bệnh bại liệt do virus nguồn gốc vắc-xin hầu như chưa từng xảy ra ở 3 địa điểm trên trước đó nhưng vẫn là mối đe dọa ở nhiều quốc gia khác - nhất là vùng Đông Nam châu Phi và Trung Đông, gây ra các đợt bùng phát hằng năm, ví dụ 415 trường hợp ở Nigeria năm 2021.
Nguyên nhân thứ 2 là lỗ hổng tiêm chủng. Theo Liên Hiệp Quốc, sự do dự tiêm vắc-xin đã là một vấn đề ngày càng gia tăng trước đại dịch Covid-19, sau đó đại dịch tiếp tục gây ra sự gián đoạn tồi tệ nhất đối với việc tiêm chủng. Nhà dịch tễ học David Heymann của Trường Vệ sinh dịch tễ và Y học nhiệt đới London - Anh nhấn mạnh việc phát hiện virus là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ.
Từ khi được tuyên bố năm 2014, bệnh bại liệt hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) bên cạnh Covid-19 và đậu mùa khỉ. Hồi tháng 6, Ủy ban Khẩn cấp về bại liệt của Tổ chức Y tế thế giới từng cảnh báo về tình hình phức tạp ở Afghanistan, Congo, Israel, Malawi, Palestine, Pakistan, Eritrea, Yemen…