• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dùng ChatGPT nhiều có xu hướng cô đơn hơn

Những người sử dụng ChatGPT thường xuyên có xu hướng cô đơn hơn, phụ thuộc cảm xúc vào công cụ AI nhiều hơn và có ít mối quan hệ xã hội ngoài đời thực, theo nghiên cứu mới từ OpenAI và MIT Media Lab.

Dữ liệu từ gần 40 triệu tương tác với ChatGPT cho thấy rằng những người có xu hướng trò chuyện với ChatGPT với tư cách cá nhân thường cảm thấy cô đơn hơn. Các nghiên cứu cũng đặt ra câu hỏi quan trọng: Liệu chatbot có khiến người dùng cảm thấy cô đơn hơn, hay chính những người cô đơn đang tìm kiếm sự gắn kết từ AI?

nguoi dung chatgpt nhieu co xu huong co don hon hinh 1

Ảnh minh họa: Unsplash

Nghiên cứu bao gồm hai phần. Trong nghiên cứu đầu tiên, các nhà khoa học phân tích dữ liệu từ gần 40 triệu cuộc trò chuyện trên ChatGPT và khảo sát 4.076 người dùng về cảm xúc của họ khi sử dụng công cụ này. Kết quả cho thấy những người dành nhiều thời gian trò chuyện với AI thường có xu hướng cảm thấy cô đơn và phụ thuộc vào nó hơn.

Ở nghiên cứu thứ hai, MIT Media Lab mời gần 1.000 người tham gia vào một thử nghiệm kéo dài 4 tuần. Mỗi ngày, họ phải tương tác với ChatGPT ít nhất 5 phút, sau đó hoàn thành một bảng câu hỏi đánh giá mức độ cô đơn, sự tương tác xã hội và mức độ phụ thuộc vào chatbot.

Kết quả cho thấy sau 4 tuần, người dùng nữ có xu hướng ít giao tiếp với người khác hơn so với người dùng nam. Đặc biệt, những người trò chuyện với ChatGPT ở chế độ giọng nói khác giới tính của họ lại có mức độ cô đơn và sự phụ thuộc cảm xúc vào chatbot cao hơn đáng kể.

Ban đầu, các nhà nghiên cứu nhận thấy chatbot giọng nói giúp giảm bớt sự cô đơn hơn so với chatbot chỉ có văn bản. Nhưng khi tần suất sử dụng tăng lên, tác dụng này dần biến mất.

Những phát hiện này phù hợp với một nghiên cứu trước đó của MIT Media Lab vào năm 2023, cho thấy chatbot AI có xu hướng phản ánh cảm xúc của người dùng. Nếu người dùng nhắn tin với tâm trạng vui vẻ, chatbot sẽ phản hồi theo cách tích cực hơn, và ngược lại.

Tiến sĩ Andrew Rogoyski, Giám đốc Viện Trí tuệ Nhân tạo Lấy Con Người Làm Trung Tâm của Đại học Surrey, cảnh báo rằng con người có xu hướng nhìn nhận AI như một thực thể có cảm xúc, khiến việc trò chuyện với chatbot trở nên nguy hiểm về mặt tâm lý.

Ông so sánh việc tâm sự với AI quá nhiều tương tự như "việc phẫu thuật não mà không có kiến thức về tác động lâu dài", đồng thời cảnh báo rằng những tác động tiêu cực có thể còn nghiêm trọng hơn cả mạng xã hội.

Tiến sĩ Theodore Cosco, nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, cho rằng nghiên cứu này đặt ra những lo ngại đáng kể về việc lạm dụng chatbot, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội. Ông nhận định AI có thể đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ những người cảm thấy cô lập, nhưng cần có sự kiểm soát và cẩn trọng trong cuộc sống hằng ngày.

Tiến sĩ Doris Dippold, chuyên gia về giao tiếp liên văn hóa tại Đại học Surrey, đặt ra câu hỏi liệu việc phụ thuộc vào chatbot có phải do người dùng bị "mắc kẹt" với máy tính hoặc điện thoại thay vì giao tiếp trực tiếp với người khác hay không. Hoặc có thể chính sự tương tác với AI lại khiến con người khao khát được kết nối nhiều hơn.

Dù chưa có kết luận chính xác, nghiên cứu này nhấn mạnh rằng AI đang có ảnh hưởng lớn đến đời sống con người, đặc biệt là về mặt cảm xúc và các mối quan hệ xã hội.

Hoài Phương (theo Guardian, Fortune)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...