Sự tương đồng giữa Mai của Trấn Thành và phim đề cử Oscar 2025
Phim "Anora" ra mắt đã gặt hái nhiều giải thưởng lớn và nhận đề cử Oscar. Tác phẩm có một số điểm tương đồng với "Mai" của Trấn Thành.
Cảnh phim "Mai" của Trấn Thành và "Anora" của Sean Baker. Ảnh: NSX
Tại Oscar 2025, bộ phim "Anora" nhận 6 đề cử, trong đó có những hạng mục quan trọng như Phim hay nhất, Nữ diễn viên xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc...
Phim ra mắt cuối năm 2024, từng đoạt giải Cành Cọ Vàng Liên hoan phim Cannes 2024 và nhiều giải thưởng điện ảnh khác. Tác phẩm của Sean Baker được đánh giá cao trên đường đua chạm tay đến tượng vàng Oscar danh giá.
Ngay khi ra mắt, nhiều khán giả Việt nhận ra "Anora" có cùng một mô-típ với "Mai" của Trấn Thành - phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử.
"Mai" và "Anora" đều được đặt tên theo nhân vật nữ chính, đều kể câu chuyện về giấc mơ đổi đời của những cô gái được coi là tầng lớp dưới đáy xã hội, làm công việc bị khinh thường.
Mai (Phương Anh Đào) là một cô gái gần 40 tuổi, làm nghề mát-xa, có con gái riêng nên khó tìm được tình yêu trọn vẹn. Cô trải qua nhiều bi kịch từ thời trẻ, trái tim khô cằn cho đến khi gặp và yêu Dương (Tuấn Trần).
Khi tình yêu nồng cháy đổ vỡ một lần nữa, Mai vẫn quỵ lụy người đàn ông không đợi mình, dù đã trở thành quản lý của một khu nghỉ dưỡng. Trong khi đó, Dương vốn sống buông thả, chơi bời bằng tiền của mẹ, đến cuối phim vẫn là người đàn ông dựa dẫm mẹ, không thể tự quyết định cuộc đời mình.
Khi ra rạp, "Mai" từng gây tranh cãi vì thông điệp về tình yêu, về hạnh phúc của người phụ nữ, về góc nhìn dành cho những cô gái làm công việc không được xã hội coi trọng. Dù yêu nhau, cả Mai và Sâu đều đầu hàng số phận, từ chối đấu tranh vì tình yêu.
Câu chuyện của Mai đẫm nước mắt, ồn ào, bế tắc cùng cực và đến cuối số phận cô vẫn hẩm hiu, thành đạt nhưng vẫn đầy mặc cảm.
Trong khi đó, Anora (Mikey Madison) được xây dựng là một vũ công thoát y đanh đá, dữ dằn, vô lo khi làm công việc kiếm tiền dựa trên xác thịt.
"Anora" với nửa đầu cuồng nhiệt, phần giữa đan xen bi hài, cái kết day dứt đã làm nên một trong những bộ phim hay nhất năm qua.
Tờ Washington Post nhận định, Anora và Vanya chìm đắm vào tình yêu và có quyết định bốc đồng là đăng ký kết hôn tại Las Vegas. Với Anora, lối sống xa hoa của Vanya là sự lãng mạn đối với cô - một phụ nữ trẻ sống trong ngôi nhà tồi tàn với bạn cùng phòng, và làm công việc bị người đời khinh rẻ.
“Anora” là một trong những tác phẩm được đánh giá cao ở Oscar 2025. Ảnh: NSX
Khi xem "Anora", khán giả phẫn nộ, khi thấy thiên đường của cô gái nhảy thoát y đột ngột bị phá hủy. Ngôi sao gen Z Mikey Madison có màn hóa thân đầy cảm xúc với vai Anora.
Từ ánh nhìn tinh quái khi tìm khách trong hộp đêm, sự bất lực khi mách tội với "chồng" rằng cô bị trói và lấy mất nhẫn cưới, cách đáp trả dữ tợn khi bị thiên hạ gọi là "điếm" đến lúc ngồi lặng thinh ngồi trên xe đi làm thủ tục hủy hôn, Mikey Madison khắc họa một nhân vật có nội tâm phức tạp.
Thước đo tình yêu của Anora và Vanya là những con số, 15.000 USD cho 1 tuần hẹn hò, 15.000 USD để hủy hôn, chiếc nhẫn cưới kim cương 4 carat. Qua mỗi ngã rẽ cuộc đời, Anora trưởng thành hơn, để rồi cay đắng nhận ra hiện thực tàn khốc.
Đến cuối phim, Anora có diễn biến tâm lý phức tạp. Cô điên cuồng chửi mắng hôn phu là kẻ hèn nhát, vô dụng, đáp trả tất cả những người đã coi thường mình, và bật khóc trên vai Igor sau những tủi hờn phải chịu đựng.
"Đạo diễn Sean Baker để lại những câu hỏi quan trọng. Cái giá của một người phụ nữ xinh đẹp là bao nhiêu? Cái giá mà cô ấy phải trả là gì? Và thế giới sẽ như thế nào nếu không có cái giá nào cả?", tờ Washington Post viết.
"Anora" cũng ồn ào, hỗn loạn như "Mai" nhưng ở cao trào, phim lại tĩnh lặng, trơ trọi, như cách Anora cô độc trong cuộc chiến sinh tồn.
So với "Mai", "Anora" mang đến một cái kết mở, nhưng thực tế và day dứt. Nhiều khán giả Việt cho rằng, sự khác biệt giữa 2 bộ phim đến từ góc nhìn của đạo diễn về nhân sinh, về tư duy nhân vật và khả năng truyền tải câu chuyện qua ngôn ngữ điện ảnh.