• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giới trẻ ngại sinh con vì áp lực kinh tế

Vợ chồng chị Trần Thanh Nga (29 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) kết hôn đã hơn 2 năm nhưng vẫn chưa muốn sinh con. 2 vợ chồng chị đều là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội sinh sống và làm việc. Chị Nga cho biết, với mức thu nhập của 2 vợ chồng gần 20 triệu đồng/tháng, chị Nga phải thuê trọ, chi phí sinh hoạt đắt đỏ nên chưa sẵn sàng để sinh con.

Giới trẻ ngại sinh con vì áp lực kinh tế

Cần có chính sách hỗ trợ cho các gia đình trong việc chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục trẻ em. Ảnh: Minh Hà

“Chúng tôi cố gắng dành dụm, vài năm nữa mua được nhà mới tính chuyện sinh con. Còn nếu bây giờ sinh con, áp lực về kinh tế sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân” - chị Nga thổ lộ. Còn vợ chồng anh Hoàng Văn Công (36 tuổi, quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho rằng, trải qua giai đoạn dịch COVID-19, công việc không ổn định, lương giảm, trong khi giá cả mọi thứ ngày càng tăng khiến anh không dám nghĩ tới việc sinh thêm con thứ hai.

Không chỉ những người đã lập gia đình, nhiều phụ nữ trẻ đang làm việc tại Hà Nội rất ngại kết hôn và sinh con với lý do muốn thăng tiến trong sự nghiệp hoặc do nuôi con quá vất vả.

Chị Tô Thị Trà Giang (31 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, kết hôn và sinh con không phải ưu tiên số 1 mà chị phải tập trung cho việc phát triển kinh doanh. Bởi theo chị Giang, khi đã kết hôn, có nhiều thứ để lo hơn so với khi còn độc thân và cũng có thêm nhiều gánh nặng.

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng, với mức sống ngày càng cao, không phải ai cũng có điều kiện để nuôi một đứa trẻ như họ mong muốn.

“Bây giờ, hầu hết người trẻ không còn tâm lý “trời sinh voi, trời sinh cỏ” như trước đây mà ai cũng muốn con mình có điều kiện chăm sóc, giáo dục tốt nhất. Vì vậy, họ phải cố gắng ổn định về mặt sự nghiệp, ổn định cuộc sống, có chỗ đứng trong xã hội rồi mới kết hôn và sinh con” - bà Hồng phân tích.

Ngoài ra, theo TS Khuất Thu Hồng, hiện nay có nhiều trường hợp ngại sinh con thứ 2. Điều này xuất phát từ nguyên nhân nhiều phụ nữ không được chia sẻ việc chăm sóc, giáo dục con; gặp khó khăn trong việc tìm trường hay lo ngại về môi trường giáo dục, phát triển của con. Vì vậy, nhiều người phải cân nhắc, thậm chí ngần ngại, quyết định không sinh con.

“Chúng ta cần có những giải pháp từ vi mô cho đến vĩ mô, phải có chính sách hỗ trợ cho các gia đình trong việc chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục trẻ em một cách toàn diện. Thứ 2, phải thay đổi nhận thức xã hội, vai trò, phân công lao động ở trong gia đình để nam giới tham gia nhiều hơn công việc chăm sóc, giáo dục con. Đồng thời, nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ để tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh cho tất cả mọi người, trong đó có trẻ em. Lúc đó, mới thực sự là bối cảnh thuận lợi để các gia đình đưa đến quyết định sinh con” - bà Hồng đề xuất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết