Đan Trường: "Hình ảnh lam lũ của mẹ thôi thúc tôi phải phấn đấu"
'Tôi thương bố mẹ, các em nên quyết tâm phải làm gì đó lớn lao, thay đổi cuộc sống cả gia đình' – Đan Trường nói.
Mới đây, tại chương trình Cuộc hẹn cuối tuần, ca sĩ Đan Trường đã tâm sự về tuổi thơ và gia đình.
Hình ảnh lam lũ của mẹ thôi thúc tôi phải phấn đấu
Tôi có một gia tài những bài hit từ thập niên 90 và 2000, được rất nhiều khán giả yêu thích, từ 7x, 8x tới 9x. Cho tới giờ, mỗi khi tôi đi show là khán giả lại yêu cầu hát những ca khúc đó, 10 show thì yêu cầu cả 10.
Tôi cũng có ra ca khúc mới mỗi năm nhưng khán giả lẫn bầu show vẫn thích tôi hát bài hit cũ. Tôi phải năn nỉ mãi họ mới cho tôi hát sản phẩm mới.
Khán giả muốn nghe tôi hát bài cũ để gợi lại những hoài niệm ngày xưa, khi họ còn ấu thơ, là học trò, sinh viên. Tôi hát những ca khúc cũ để giúp khán giả tìm về quá khứ.
Đặc biệt, cho đến giờ các fan vẫn gọi tôi là anh Bo chứ ít gọi bằng tên Đan Trường, cảm giác rất trìu mến, thân quen.
Bo là biệt danh của tôi từ nhỏ, khi còn chơi trong xóm. Ba mẹ tôi cũng gọi tôi là Bo. Cái tên Đan Trường tôi chỉ dùng khi đi học.
Tôi có hỏi ba mẹ vì sao gọi tôi là Bo. Ba mẹ bảo tôi sinh năm 1976, khi xã hội vẫn còn rất nghèo, mọi người phải ăn cơm độn hạt bo bo. Vì thế nên ba mẹ tôi gọi tôi là Bo để nhớ về thời kỳ gian khó ấy. Sau này tôi mới biết, hạt bo bo vẫn dùng để nấu chè.
Gia đình tôi là gia đình lao động. Ba mẹ tôi làm công nhân nên tôi quen với hình ảnh lam lũ xung quanh mình. Hồi đó, ba mẹ tôi đi làm từ sáng sớm, chiều tối muộn mới về. Nhiều hôm tăng ca, ba mẹ không về luôn.
Nhiều hôm, tôi phải chứng kiến cảnh mẹ đi làm về khuya trong mưa gió, dắt xe đạp cọc cạch.
Về tới nhà, mẹ còn phải lau dọn, giặt giũ. Những hình ảnh lam lũ của mẹ thôi thúc tôi phải phấn đấu, nỗ lực. Tôi phải thành công, phải làm gì đó để thay đổi cuộc sống của gia đình.
Tôi thương bố mẹ, các em nên quyết tâm
Tôi là con trai cả trong gia đình, dưới tôi còn 3 em gái nên tôi cần làm chỗ dựa cho các em.
Ngay từ nhỏ, tôi đã ý thức được việc phải giúp đỡ gia đình. Nhà tôi ngày đó ở tầng cao nhất của một khu tập thể, không có nước máy. Tôi phải xách từng xô nước bưng lên lầu đổ vào lu để trữ nước dùng cho cả nhà.
Chưa kể, mỗi lần đi tắm rửa hay giặt giũ, tôi phải đi từ tầng 5 xuống tầng trệt rồi lại đi lên, rất cực.
Ngày đó, ba mẹ tôi bán đồ ăn nhậu tại Vũng Tàu. Ngoài giờ đi học, cứ tối đến là tôi phải phụ ba mẹ bán hàng. Tôi ngây ngô lắm, chỉ biết đi học rồi về phụ gia đình, không làm gì thêm.
Học hết lớp 12, tôi không thi đại học mà đi học nghề thợ tiện. Tôi nghe người ta nói câu "muốn giàu thì lấy thợ tiện, muốn ăn diện thì lấy thợ may" nên ham nghề thợ tiện để có tiền lo cho ba mẹ.
Đúng là, phải sống trong nghèo khó mới thấy được giá trị của cuộc sống mà biết phấn đấu vươn lên. Tôi tự thấy gia đình mình thiệt thòi, khó khăn trong khi người ta sung túc, ăn ở tiện nghi hơn. Tôi thương bố mẹ, các em nên quyết tâm phải làm gì đó lớn lao, thay đổi cuộc sống cả gia đình.