• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ca sĩ trẻ làm mới nhạc dân tộc

Một số ca sĩ trẻ đã thử nghiệm, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, trình làng những tác phẩm cổ truyền theo phương thức mới, thu hút sự quan tâm của công chúng.

Sau 5 ngày ra mắt, MV (video ca nhạc) "Thị Mầu" của Hòa Minzy được hơn 5,6 triệu lượt xem, hơn 227.000 lượt thích và hơn 15.000 bình luận. Ca khúc lọt top 1 Trending YouTube.

Không giới hạn tính sáng tạo

Khán giả dành nhiều phản hồi tích cực cho sản phẩm mới của Hòa Minzy, khi kết hợp hài hòa giữa văn hóa Việt Nam và giai điệu, trang phục hiện đại. Công nghệ mapping (kỹ thuật sử dụng ánh sáng, hình ảnh để tạo ra các hiệu ứng 3D) được Hòa Minzy đầu tư vào MV "Thị Mầu" đã gây ấn tượng mạnh, mang đến sự mãn nhãn cho người xem.

Theo Hòa Minzy, cô làm MV "Thị Mầu" để các bạn trẻ biết đến bộ môn chèo, nền âm nhạc Việt Nam có chèo rất hay nhưng lại đang bị mai một dần. Hòa Minzy hy vọng sau khi xem MV "Thị Mầu" khán giả sẽ thích và tìm hiểu nghệ thuật chèo, rộng hơn nữa là các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Việc kết hợp chất liệu dân gian, nhạc cụ dân tộc vào âm nhạc vốn không phải là điều gì quá mới mẻ. Hoàng Thùy Linh là một trong những ca sĩ trẻ đang rất "son" với xu hướng này. Từ bản hit "Bánh trôi nước" (2016) đến thành công rực rỡ của album Hoàng (2019) cho thấy giọng ca sinh năm 1988 khá mát tay khi đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc.

Ca sĩ trẻ làm mới nhạc dân tộc - Ảnh 1.

Hoàng Thùy Linh là một trong những ca sĩ trẻ thành công với xu hướng làm mới nhạc dân tộc. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Các sản phẩm mới của Hoàng Thùy Linh cũng rất ăn khách như "Gieo quẻ", "See tình", "Đánh đố" đến "Bo xì bo"… Điều này cho thấy chất liệu dân gian vẫn là một mảnh đất màu mỡ, không giới hạn tính sáng tạo nếu các ca sĩ khai thác hiệu quả.

Giới chuyên môn nhận định, Hoàng Thùy Linh thành công là do đã khéo léo kết hợp các ca khúc dance pop/electro với các chất liệu dân gian đương đại tạo thành những giai điệu dễ nghe, hợp thời.

Giá trị xưa hấp dẫn hơn

Trong vài năm trở lại đây, nhạc Việt chứng kiến sự phát triển của các dòng nhạc EDM, rap/hiphop, indie… Khá nhiều sản phẩm âm nhạc chịu ảnh hưởng bởi những nền âm nhạc lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… khiến thị trường âm nhạc Việt trở nên bão hòa với nhiều tác phẩm na ná nhau.

Tách khỏi dòng chảy đó, một số ca sĩ trẻ đã mạnh dạn trình làng những ca khúc mới theo hướng làm mới nhạc dân tộc. Như đã nói ở trên, nổi bật là Hoàng Thùy Linh với mở đầu bằng "Bánh trôi nước" khai thác chất liệu văn học, hàng loạt tác phẩm sau đó của Hoàng Thùy Linh cũng có yếu tố dân gian, mang đậm màu sắc văn hóa Việt như "Tứ phủ", "Duyên âm", "Kẻ cắp gặp bà già"…

Những ca khúc dân tộc như "Còn duyên" (quan họ Bắc Ninh), "Giận mà thương" (dân ca Nghệ Tĩnh), "Mười thương" (dân ca Huế) của ca sĩ Hồng Duyên được phối khí lại theo nhiều phong cách âm nhạc hiện đại như acoustic, jazz, semi-classic được giới chuyên môn ví như một làn gió mới tinh tế, trẻ trung bởi những bản phối hiện đại, từ đó tạo ra phiên bản mới cho những bài dân ca quen thuộc.

Các MV của ca sĩ trẻ Hà Myo (Nguyễn Thị Ngọc Hà) với sự kết hợp giữa xẩm với rap và nhạc EDM. Nhạc rap và EDM có giai điệu trẻ trung, sôi động đã quá quen thuộc với giới trẻ được kết hợp với xẩm tạo thành bản nhạc độc đáo, vừa có chất xẩm dân gian vừa có chất rộn ràng của rap đường phố, vừa có sự cuồng nhiệt của dòng nhạc EDM.

Với sự kết hợp này, Hà Myo đã mang xẩm đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Sau 4 MV "Xẩm Hà Nội", "Xẩm xuân xanh", "Xẩm xuân chúc phúc", "Xẩm bốn mùa hoa Hà Nội", Hà Myo đã nhận được khá nhiều lời mời hát xẩm trên các sân khấu lớn, trong đó cô liên tục chiếm sóng VTV dịp Tết vừa qua với các tiết mục xẩm kết hợp vũ đạo, rap.

Ngoài ra còn có "Cô đôi thượng ngàn" với âm hưởng chầu văn đậm đặc của ca sĩ Tân Nhàn; sao mai Quách Mai Thy với MV "Mục hạ vô nhân" dựa trên điệu xẩm chợ; Phùng Khánh Linh với "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén", kết hợp giữa EDM và quan họ Bắc Ninh…

Nhạc sĩ Minh Châu nhận định: "Sự đan xen giữa xưa và nay trong một sản phẩm âm nhạc như một cây cầu nối để thế hệ ngày nay cảm thấy thích thú với những giá trị xưa của truyền thống dân tộc. Những thế hệ đi trước lại cảm thấy thế hệ ngày nay đã làm cho giá trị xưa hấp dẫn hơn".

Theo các nhà chuyên môn, việc kết hợp truyền thống và đương đại như thế nào cho khéo, phù hợp vẫn là bài toán không phải ai cũng giải được. Có không ít sự phá cách vượt khỏi khuôn mẫu truyền thống khiến một số tác phẩm trở thành sản phẩm lỗi với những biến tấu quá đà.

"Các nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ cần phải cẩn trọng khi khai thác chất liệu văn hóa truyền thống trong sáng tác âm nhạc. Điều này đòi hỏi nghệ sĩ phải có kiến thức, hiểu biết nhất định về âm nhạc truyền thống để tạo ra sản phẩm mới phù hợp" - nhạc sĩ Tiến Luân lưu ý.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...