Bác sĩ trẻ "trút hết ruột gan" về chống dịch ở TP HCM
Trước hội nghị tiếp xúc cử tri thanh niên của Thường trực HĐND TP HCM, cử tri thanh niên tiêu biểu - nữ bác sĩ trẻ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh - gây chú ý khi thẳng thắn nói về những bất cập, khó khăn của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch thời gian qua.
Sáng 26-3, Thường trực HĐND TP HCM tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri thanh niên năm 2022 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Thị Lệ.
Hội nghị diễn ra đúng ngày kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931-26.3.2022).
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ chúc mừng kỉ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931-26.3.2022); Ảnh: Phan Anh
Ngoài 100 cử tri thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực tham gia trực tiếp, còn có hơn 1.000 thanh niên theo dõi hội nghị trực tuyến tại 12 điểm cầu.
Tại hội nghị, phần phát biểu của thanh niên Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, bác sĩ Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đã thu hút sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, đại biểu khi phán ánh đúng thực trạng ngành y tế, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh.
Bác sĩ Thanh cho rằng dịch Covid-19 đi qua để lại nhiều mất mát, đau thương, đặc biệt là đối với TP HCM. Những mất mát, đau thương đó giúp chúng ta nhìn lại toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là hệ thống y tế của thành phố.
Trong thời gian dịch diễn ra căng thẳng tại TP, bác sĩ Thanh được biệt phái công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115. Từ đó, bác sĩ Thanh càng nhìn thấy rõ sự quá tải của ngành y tế TP.
Bác sĩ Thanh cho biết bản thân rất bất ngờ với thành phố hơn 10 triệu dân nhưng chỉ có dưới 100 xe cấp cứu. "Đây là vấn đề mà TP HCM phải thật sự quan tâm" - bác sĩ Thanh nói.
Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri thanh niên năm 2022 sáng 26-3; Ảnh: Phan Anh
Bên cạnh đó, bác sĩ Thanh cũng bày tỏ trăn trở về ngành điều dưỡng, đặc biệt là cấp cứu ngoại viện khi mỗi năm TP chỉ đào tạo được 10 điều dưỡng chuyên ngành này. Hơn nữa, cấp cứu ngoại viện chỉ mới có mã ngạch chứ chưa có mã nghề.
Theo bác sĩ Thanh, việc điều trị cấp cứu ban đầu rất quan trọng, cấp cứu kịp thời khả năng sống của bệnh nhân rất cao, như các trường hợp sốc phản vệ … Việc quan trọng là đưa xe cấp cứu và cấp cứu người dân ngay tại nhà.
Do đó, bác sĩ Thanh kiến nghị TP HCM cần quan tâm, mở rộng mô hình trung tâm cấp cứu 115 cũng như nâng cao chất lượng tại các trung tâm cấp cứu để người dân có thể kịp thời chuyển đến bệnh viện điều trị.
Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, phát biểu tại hội nghị sáng 26-3
"Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, thành phố đưa rất nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế của các bệnh viện về công tác tại tuyến y tế phường, xã. Tuy nhiên, các trạm y tế phường, xã tại thời điểm đó chỉ có đúng 1 cái bàn, 1 cái máy tính thì làm sao có thể hành nghề, cấp cứu xử lý các tình huống ban đầu" - bác sĩ Thanh nói.
Từ đó, bác sĩ Thanh cho rằng rất cần nâng chất lượng các cơ sở vật chất tại các tuyến y tế phường, xã cũng như cần phải thực hiện các giải pháp mang tính đồng bộ, lâu dài.
Bác sĩ Thanh còn mong muốn TP HCM nâng cao mô hình bác sĩ y học gia đình. Đây là mô hình mà các nước phát triển trên toàn thế giới rất quan tâm và đầu tư. Nhưng ngành này còn khá mới và chưa được quan tâm tại Việt Nam nói chung cũng như TP HCM nói riêng.
Khi điều kiện kinh tế của người dân TP HCM ngày càng được nâng lên thì mô hình bác sĩ gia đình có rất nhiều cơ hội để phát triển, góp phần nâng cao việc chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố.
Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh là một trong 108 cá nhân thuộc lực lượng y tế của TP HCM được Thủ tướng tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Nữ bác sĩ sinh năm 1995 này không phải là gương mặt xa lạ gì với tuổi trẻ TP HCM, người từng được mệnh danh là "Công dân toàn cầu", biết nhiều thứ tiếng, đi qua 18 quốc gia giao lưu với thanh niên thế giới.
Năm 2020, cô được tôn vinh "Công dân trẻ tiêu biểu TP HCM".
Lắng nghe hiến kế để phát triển TP HCM
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết trong nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND thành phố tiếp tục kế thừa kinh nghiệm các khóa trước, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND; giữ mối liên hệ với các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Phó Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết Thường trực HĐND thành phố sẽ tăng cường tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, ngành, giới; Ảnh: Phan Anh
Trong năm 2022, TP HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu đề ra các chính sách cụ thể để thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển, tiếp tục là địa phương đi đầu của cả nước.
Thường trực HĐND thành phố tiếp tục tăng cường tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, ngành, giới với cử tri là thanh niên, phụ nữ, doanh nhân; cán bộ công chức; chức sắc, chức việc tôn giáo; phóng viên các báo, đài… để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của cử tri thanh niên, cử tri các giới đóng góp cho sự phát triển của thành phố và đất nước.
Trong tháng 3 này, các Tổ đại biểu HĐND TP HCM tổ chức tiếp xúc cử tri thanh niên ở 21 quận, huyện và TP Thủ Đức với hơn 3.900 cử tri thanh niên.