Áp lực từ mạng xã hội khiến giới trẻ Hàn Quốc sợ sinh con
Theo Chung Seung-je, hình ảnh hào nhoáng trên Instagram đã khiến thanh niên áp lực khi phải so sánh năng lực, tài chính để nuôi con của mình với người khác.
Mới đây, Chung Seung-je, một giảng viên trực tuyến và nổi tiếng là một trong những giáo viên có thu nhập cao nhất Hàn Quốc, đã đưa ra quan điểm gây chú ý về lý do tỷ lệ sinh của quốc gia này liên tục giảm kỷ lục, Korea Herald đưa tin hôm 15/6.
Chung cho rằng Instagram - mạng xã hội phổ biến toàn cầu - là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người trẻ từ chối có con.
Vị giáo viên Toán đặt vấn đề với câu hỏi: "Ngày xưa, người Hàn Quốc sinh nhiều con hơn khi họ vẫn còn nghèo khó. Bây giờ mọi thứ đã tốt hơn, tại sao người ta sinh ít hơn?".
"Hồi còn trẻ, chúng tôi không biết ăn Omakase (phong cách ăn uống sang trọng trong nhà hàng Nhật Bản) và chơi golf, bởi vì chúng tôi không có Instagram", Chung nói, chỉ trích các xu hướng trên mạng xã hội thúc đẩy mọi người khoe khoang về thành công thông qua tiêu dùng xa xỉ, phô trương.
Trong video, Chung nói với các học trò của mình rằng đừng tin vào những gì các em nhìn thấy trên Instagram.
"Những kiểu bài đăng đó khiến các em tin rằng người khác tuyệt hơn mình. Chúng làm các em cảm thấy như mình là người duy nhất chịu bất hạnh hoặc không có khả năng nuôi dạy con cái như người khác", Chung giải thích áp lực mà mạng xã hội mang đến khiến người trẻ không còn tự tin để kết hôn, sinh con.
Những bình luận của Chung - giảng viên chuyên luyện thi cho các học sinh chuẩn bị thi đại học - nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cư dân mạng, đặc biệt nhận được sự đồng tình của nhiều cặp vợ chồng trẻ độ tuổi 20-30.
Một người dùng Twitter nói rằng: "Mỗi khi nhìn thấy những người nổi tiếng nuôi dạy con cái của họ trong một căn hộ sang trọng với tầm nhìn ra sông Hàn và gửi chúng đến những trường mẫu giáo tư thục đắt tiền của Anh, tôi lại sợ hãi. Tôi nghĩ rằng mình sẽ không thể chu cấp cho con nhiều như người khác".
Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm từ 0,81 vào năm 2021 xuống mức thấp mới là 0,78 vào năm ngoái, thấp nhất trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Trong một khảo sát vào tháng 3 do Bộ Y tế và Phúc lợi tổ chức, những người tham gia ở độ tuổi 20 và 30 đã chỉ ra rằng văn hóa so sánh bản thân với người khác là một trong nhiều lý do khiến nhiều người trẻ tuổi không muốn lập gia đình và sinh con.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tỷ lệ sinh thấp của quốc gia này là những khó khăn kinh tế, bao gồm vấn đề nhà ở, gánh nặng chăm sóc con cái mà các cặp vợ chồng đều đi làm phải đối mặt.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng 3 và tháng 4 của Shinhan Life Insurances, nhiều người trẻ Hàn Quốc cho biết đang theo đuổi lối sống được gọi là DINK (thu nhập gấp đôi, không sinh con).
Cụ thể, trong số 700 người độc thân và các cặp vợ chồng chưa có con ở độ tuổi 25-39, 34,3% cho biết không có kế hoạch sinh con trong tương lai. Trong số phụ nữ và nam giới độ tuổi từ 25 đến 29 được khảo sát, 52,2% phụ nữ và 19,8% nam giới cho hay đang cân nhắc cuộc sống không có con.
Theo cây bút Hawon Jung trên New York Times, tâm lý từ chối hôn nhân và quyền làm mẹ của nhiều phụ nữ Hàn Quốc đang tạo ra xu hướng mới, được gọi là cuộc “đình công sinh nở” hay “đình công hôn nhân”.
Phong trào "4 không" đã xuất hiện ở xứ củ sâm từ năm 2019 và ngày càng lan rộng, xuất phát từ việc phụ nữ chống lại chế độ gia trưởng đến mức giữ lập trường cực đoan: từ chối kết hôn, hẹn hò với đàn ông, quan hệ tình dục và sinh sản.
Theo các chuyên gia, hậu quả của "đình công sinh đẻ" đối với Hàn Quốc là rất nặng nề.
Hàn Quốc đang trong tình trạng báo động vì ước tính trung bình 2,1 trẻ em/phụ nữ là cần thiết để giữ cho dân số ổn định. Năm 2020, số người chết vượt quá số ca sinh ở đây. Nhiều thành phố có nguy cơ biến mất trong những năm tới.
Đinh Phạm