Nắng nóng, cháy rừng tấn công nhiều nước
Nhiều quốc gia từ châu Á đến châu Âu đã bắt đầu phải đón những đợt nắng nóng đầu tiên.
Ngày 9-4 là ngày nóng kỷ lục được ghi nhận ở nhiều địa phương của Thái Lan, mà theo Cục Khí tượng nước này, nhiệt độ có lúc đạt tới 54,2 độ C ở tỉnh Krabi nằm ở bờ biển phía Tây.
Nóng thứ nhì là quận Bang Na của Bangkok với nhiệt độ cao nhất trong ngày lên tới 50 độ C, trong khi tỉnh Phetchabun đạt 44,3 độ C, tỉnh Chonburi đạt 43,2 độ C và quận Chok Chai của TP Nakhon Ratchasima đạt 41,3 độ C.
Trong khi đó, theo The Hindu Times, Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) dự báo về các đợt nắng nóng sẽ liên tiếp tấn công các khu vực phía Tây Bắc và Đông đất nước từ ngày 13 đến 19-4. Nhiệt độ tối đa có thể tăng dần thêm 2-3 độ C ở hầu hết các vùng của Ấn Độ.
Theo nhà khoa học Naresh Kumar của IMD, nhiệt độ đang gần như bình thường nhưng khô hạn dự kiến còn kéo dài ở Tây Bắc và hầu hết miền Trung Ấn Độ, khiến mức nhiệt tăng lên và hình thành các đợt nắng nóng. Nhiệt độ tối đa sẽ lên đến 38-40 độ C ở bang Maharashtra, phía Bắc vùng nội địa bang Telangana và khu vực bang Odisha.
Một dự báo khác từ đầu tháng 4 cho biết hầu hết Ấn Độ sẽ trải qua những ngày nắng nóng trên mức bình thường từ tháng 4 đến tháng 6, với số ngày nóng dự kiến tăng đáng kể ở các bang Bihar, Jharkhand, Uttar Pradesh, Odisha, Tây Bengal…, theo Tổng Giám đốc IMD Mrutyunjay Mahapatra.
Nước láng giềng Ấn Độ là Bangladesh cũng trải qua một ngày 9-4 khốc liệt với nhiệt độ cao nhất lên đến 38,5 độ C ở TP Chuadanga, còn thủ đô Dahka ghi nhận nhiệt độ oi ả 37,4 độ C.
Một ngọn đồi đen kịt sau khi bị cháy rừng tấn công giữa đợt hạn hán ở vùng Asturias của Tây Ban Nha hôm 1-4 Ảnh: REUTERS
Ở nước Anh, nhiệt độ thời điểm này trong năm thường vẫn còn mát mẻ nhưng năm nay các đợt nắng nóng nhẹ có thể đến sớm hơn vào nửa cuối tháng 4 thay vì tháng 5 như mọi khi, với nhiệt độ bất thường ở mức trên 20 độ C đến 25 độ C, theo nhà khí tượng học cao cấp Jim Dale từ Cơ quan Thời tiết Anh.
Trong khi đó, chính phủ Ý cho biết họ sẽ phải bổ nhiệm một ủy viên đặc biệt để giải quyết tác động của khủng hoảng hạn hán, khi một đợt hạn hán khác được dự báo sẽ đến sau mùa đông khô hạn. Mùa hè năm ngoái, hạn hán khốc liệt đã tàn phá các khu vực nông nghiệp ở phía Bắc nước này.
Tình hình căng thẳng hơn ở Tây Ban Nha, nơi phải vật lộn với mùa cháy rừng đến sớm từ cuối tháng 3 đến nay. Hơn 100 đám cháy rừng bùng phát ở khu vực công quốc Asturias và bị bồi thêm bởi nhiệt độ kỷ lục.
Trước Asturias chỉ 8 ngày, phía Đông tỉnh Valencia cũng thành biển lửa trong khi một đám cháy khác tàn phá 1.100 ha đất ở khu tự trị Galicia miền Tây Bắc. Hôm 6-4, thêm đám cháy mới ghi nhận ở một khu vực miền núi thuộc tỉnh Cadiz.
Cơ quan Quản lý khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết nhiệt độ bề mặt đại dương thế giới đạt 21,1 độ C vào đầu tháng 4, mức cao nhất mọi thời đại và đánh bại kỷ lục trước đó là 21 độ C. La Nina - "pha mát" của mô hình khí hậu vùng nhiệt đới Thái Bình Dương - kéo dài 3 năm qua đã giúp giảm nhiệt, giảm tác động của việc gia tăng khí nhà kính toàn cầu.
Tuy nhiên, "pha nóng" El Nino đang có dấu hiệu trở lại vào cuối năm nay, có thể làm tăng nhiệt độ đại dương thêm nữa, kéo theo các điều kiện thời tiết khắc nghiệt và tiếp tục thách thức các kỷ lục nhiệt độ toàn cầu.
Thời tiết khắc nghiệt hơn ở Mỹ
Trong vài tuần qua, Mỹ hứng chịu nhiều cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp, đặc biệt là tại các khu vực Đông Nam và Trung Tây.
Theo đài CNN, ngày 24-3, trận lốc xoáy EF-4 quét qua thị trấn Rolling Fork, bang Mississipi, khiến ít nhất 26 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Một tuần sau, hai khu phố Little Rock và Wynne, bang Arkansas, hứng bão khiến ít nhất 32 người thiệt mạng. Những cơn bão mạnh kèm theo lốc xoáy tiếp tục tàn phá các khu vực này trong vòng chưa đầy 2 tuần kế tiếp, cướp đi sinh mạng của 2 người nữa ở bang Missouri.
Các chuyên gia dự báo thời tiết khắc nghiệt dự kiến kéo dài và ngày càng nghiêm trọng hơn. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, ít nhất 68 người đã thiệt mạng do bão, cao hơn nhiều so với 71 trường hợp tử vong do lốc xoáy trong cả năm ngoái ở Mỹ. Một trong những lý do khiến bão năm nay nguy hiểm hơn là chúng thường quét qua vào ban đêm, lúc mọi người đang ngủ.
Ngoài ra, các khu vực Đông Nam và Trung Tây tập trung đông dân cư hơn nên số trường hợp tử vong cao. Riêng đất đai ở khu vực Đông Nam của Mỹ khá ẩm ướt nên mọi người phải trú ẩn trên mặt đất thay vì dưới hầm ngầm, làm tăng nguy cơ thiệt mạng khi có bão.
Kể từ đầu năm đến nay, Mỹ ghi nhận gần 500 trận lốc xoáy, cao thứ ba sau 2 năm 2008 và 2017. Đáng chú ý, thời tiết khắc nghiệt xảy ra trong 13/15 tuần đầu năm nay, nguyên nhân chính là do những "dòng sông khí quyển" - dải hơi ẩm chảy vào từ Thái Bình Dương - xuất hiện liên tục. Nguyên nhân khác đến từ việc mùa đông ở Mỹ năm nay ấm áp hơn, làm thời tiết khắc nghiệt hơn vì bão cần không khí ấm và độ ẩm để tăng cường sức mạnh.
Sắp tới, thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6 thường được biết đến là "đỉnh bão" ở Mỹ. Trong khi đó, lốc xoáy đang có xu hướng giảm ở "Hẻm lốc xoáy" (gồm các bang Texas, Oklahoma, Kansas...) và tăng ở Đông Nam và Trung Tây.
Phạm Nghĩa