Dự báo áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới ngày mai
Dự báo áp thấp gần Philippines có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới vào ngày mai (6.2).
Dự báo bão/áp thấp ngày 5.2 của Trung tâm Cảnh báo bão liên hợp Mỹ (JTWC) cho hay, vùng nhiễu động thời tiết rộng lớn liên quan đến một áp thấp kéo dài (Invest 92W) và có cấu trúc rộng xuất hiện ở phía đông nam Yap (Liên bang Micronesia) và Palau (cách Philippines 850 km về phía đông tính từ đảo Palawan), với ít thay đổi đáng kể về tổ chức.
Điều kiện môi trường hiện tại không đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển, nhưng dự kiến sẽ trở nên thuận lợi hơn một chút trong vài ngày tới. Một áp thấp nhiệt đới có thể hình thành vào ngày 6.2 khi hệ thống di chuyển chậm và không ổn định theo hướng tây tây bắc.
Dự báo, hệ thống này có khả năng suy yếu thành một rãnh thấp vào cuối tuần khi đi qua Mindanao và khu vực Trung Visayas của Philippines. Tuy nhiên, khi quay trở lại vùng biển vào tuần sau, nó có thể phát triển lại thành một áp thấp nhiệt đới. Khả năng hình thành trong 7 ngày là 50%. JTWC khuyến cáo người dân tại Philippines nên theo dõi sát sao diễn biến của hệ thống này.
Trước đó, dự báo bão, áp thấp ngày 3.2 của Cơ quan Thiên văn, Địa Vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) nêu rõ, trong tuần từ ngày 3.2 đến ngày 9.2, dự kiến một áp thấp mới hình thành gần Philippines.
Áp thấp mới có khả năng xuất hiện ở phía nam khu vực dự báo (PAR) của PAGASA.
Theo các nhà dự báo, áp thấp này nằm trong vùng biển gần Philippines và có khả năng đi vào Biển Đông.
PAGASA dự báo có từ 2 đến 8 cơn bão nhiệt đới có thể hình thành bên trong hoặc đi vào PAR từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2025.
Các tháng 2, 3 và 4 có thể có 1 cơn bão mỗi tháng trong khi tháng 5 và tháng 6 có thể có một hoặc hai nhiễu động.
Ngày 5.2, JTWC cũng ban hành cảnh báo gió mạnh ở eo biển Đài Loan (Trung Quốc), eo biển Luzon và vùng biển ngoài khơi tây bắc Luzon do gió mùa đông bắc mạnh.
Gió mạnh cũng xuất hiện ở vùng biển xung quanh quần đảo Ryukyu, bao gồm Okinawa (Nhật Bản). Cùng với đó là một đợt không khí lạnh kéo dài từ 30 độ vĩ bắc 122 độ kinh đông đến 30 độ vĩ bắc 130 độ kinh đông, với áp cao 1028 hPa ở Trung Quốc.
Dòng không khí lạnh dọc tọa độ nói trên đang di chuyển từ Trung Quốc ra khu vực Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.
Bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Việt Nam cũng cho hay, ngày và đêm 6.2, vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông và vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao 2-4 m. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.