• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đến khi nào phố không còn biến thành sông sau mưa?

Sáng ra, có đồng nghiệp ở Vinh (Nghệ An) nhắn ra: “Vinh mưa ngập quá, cả một biển nước mênh mông, có nơi sâu tới gần 1m”.

Đến khi nào phố không còn biến thành sông sau mưa?

TP Vinh ngập nặng sau cơn mưa sáng 23.9.2024. Ảnh: Quang Đại

Tôi từng công tác ở Vinh gần 1 năm, không hiểu sao thời điểm đó mưa thuận gió hòa: không gió Lào, không ngập lụt nên cũng khó mường tượng ra cảnh ngập ở TP Vinh như thế nào cho đến khi được xem mấy tấm hình mênh mang nước sau cơn mưa rạng sáng ngày 23.9.

“Cũng phải vài năm mới có một trận lụt thế này, nhưng bây giờ nước trong phố lên nhanh quá, dân không kịp trở tay” - anh bạn nói.

Chuyện đô thị chống chọi với ngập lụt trước đây, dường như chỉ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Dân Hà Nội nhại câu hát: “Hà Nội mùa này phố cũng như sông” hoặc nói nhại Hà… Lội để nói về sự nghiêm trọng của ngập lụt. TPHCM thì bị tác động của triều cường, nền lại thấp thành ra cũng chẳng lạ.

Thế rồi những cái tên bị ngập lụt bởi mưa, lũ cứ dài ra. Từ các đô thị ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long hay mới đây là đảo Phú Quốc cho tới các đô thị vùng cao như Yên Bái, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu…

Biến đổi khí hậu tạo ra những hệ quả và thiệt hại với đời sống là điều có thể xác định được. Nhưng câu hỏi tại sao các đô thị ngày càng dễ lụt, dễ ngập?

Các chuyên gia chỉ ra rằng, ngoài yếu tố tự nhiên, còn có yếu tố con người như: Hệ thống thoát nước mặt của các đô thị đã xây dựng lâu qua nhiều thời kỳ, chắp vá thiếu đồng bộ không đảm bảo năng lực thoát nước với các điều kiện tự nhiên có thay đổi; Bảo trì sửa chữa hệ thống thoát nước còn hạn chế vì chủ yếu được đầu tư từ ngân sách; Y thức người dân trong việc bảo vệ hệ thống thoát nước; lấn chiếm, xả chất thải rắn các sông suối, kênh rạch, hồ trong đô thị làm giảm năng lực thoát nước; Nội dung quy hoạch đô thị trong đó có nội dung về cao độ nền và thoát nước mặt còn hạn chế, không theo kịp phát triển đô thị; Mặt phủ bêtông hóa (không thấm nước) gia tăng khi đô thị phát triển dẫn tới lượng nước mưa vào hệ thống thoát nước gia tăng (có thể tăng 20-30%) vượt năng lực của hệ thống thoát nước đô thị…

Giải bài toán này, để chấm dứt tình trạng “cứ mưa lớn là ngập úng” không thể giải quyết ngày một ngày hai mà cần có thời gian, lộ trình thực hiện và thể chế hóa với sự vào cuộc của cấp chính quyền, các thành phần kinh tế và cộng đồng dân cư. Trong đó cần chú trọng nâng cao chất lượng tổ chức lập quy hoạch đô thị trong đó có nội dung liên quan tới cao độ nền và thoát nước bao gồm cả việc thực hiện quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt. Đồng thời quyết tâm của chính quyền trong việc tổ chức quản lý thực hiện, bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng, quản lý cao độ nền cũng như hệ thống thoát nước…

Đây là những giải pháp mang tính tổng thể, để hạn chế tối đa câu chuyện phố biến thành sông đang diễn ra ở hầu khắp các đô thị hiện nay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...