Xây dựng trường học hạnh phúc cần hiệp lực của cộng đồng xã hội
Nhà trường, gia đình, xã hội cùng chung tay để kiến tạo và xây dựng trường học hạnh phúc. Tất cả cùng gánh vác vai trò quan trọng trong giáo dục con người, tạo ra môi trường sống an toàn, văn hóa.
Giáo dục có vai trò đặc biệt
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghiêm (Trường ĐH Đồng Tháp), văn hoá là tài sản vô giá đối với bất kỳ quốc gia nào. Trong các thành tố văn hóa quốc gia, giáo dục có vai trò đặc biệt, mang ý nghĩa nền tảng. Muốn chấn hưng văn hóa quốc gia phải chấn hưng từ nền tảng, tức là bắt đầu từ giáo dục.
Bởi lẽ, nhà trường là nơi bảo tồn vào lưu truyền các giá trị văn hoá, là nơi đào luyện những lớp người mới, chủ nhân gìn giữ và sáng tạo văn hoá cho tương lai.
Đồng thời, nhà trường là nơi con người với con người (người dạy với người học) cùng hoạt động tri thức để chiếm lĩnh các mục tiêu văn hoá, theo những cách thức văn hoá, dựa trên những phương tiện văn hoá, trong môi trường văn hoá đại diện cho mỗi vùng, miền, địa phương với sự tổng hòa của văn hóa quốc gia.
Thế nhưng, nếu chỉ “đơn lẻ” nhà trường sẽ không thể “đủ sức” thực hiện thành công sứ mệnh chấn hưng giáo dục. Bên cạnh và “đồng hành” với nhà trường cần có sự hiệp lực của gia đình, cộng đồng và các tổ chức, ban ngành cùng chung mục tiêu và cùng gánh vác vai trò quan trọng trong giáo dục con người, tạo ra môi trường sống an toàn và văn hóa.
Song hành với việc định hình và định vị lại hệ thống giá trị cốt lõi để phát triển văn hóa nhà trường, nhà nước cần có kế hoạch kiến tạo “hệ sinh thái” chấn hưng giáo dục.
Điều này đòi hỏi có sự chỉ đạo thống nhất của nhà nước để tạo sự gắn kết, đồng bộ, không để xung đột giá trị giữa ba môi trường văn hóa: Nhà trường, gia đình và xã hội, tránh tác động tiêu cực đến quá trình giáo dục nhân cách con người...
Một vấn đề quan trọng trong chấn hưng giáo dục là cần xây dựng thành công mô hình trường học mới. Trường học hạnh phúc là một mô hình có nhiều ưu điểm và phù hợp với đặc điểm của nền giáo dục nước ta.
Xây dựng trường học hạnh phúc vừa là mục tiêu vừa là giá trị của những nền giáo dục tiên tiến. Các thành tố thường được nhắc đến trong sự nghiệp giáo dục là nhà trường, gia đình và xã hội giữ những vai trò khác nhau nằm trong sự tổng hòa. Trong thành tố nhà trường, hiệu trưởng với vị trí “thuyền trưởng” có vai trò quan trọng trong việc xây dụng và vận hành “con tàu” hạnh phúc.
Yêu thương, an toàn và tôn trọng
Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghiêm nhấn mạnh: UNESCO đã đưa ra mô hình “Trường học hạnh phúc” xoay quanh 3 chữ P.
Chữ P đầu tiên là People (Con người): để có trường học hạnh phúc, cần chú trọng xây dựng những giá trị nhân văn và chuẩn mực hành xử tích cực giữa nhà giáo với người học, giữa nhà giáo với nhà giáo, giữa nhà giáo với ban giám hiệu, giữa nhà giáo với phụ huynh.
Chữ P thứ hai là Process (Hệ thống): các quy trình, chính sách, hoạt động được thiết kế khoa học và hợp lý để vận hành ngôi trường.
Chữ P thứ ba là Place (Môi trường): không gian vật chất lẫn không gian văn hóa là môi trường an toàn, thân thiện.
Có 3 tiêu chí quan trọng để xây dựng trường học hạnh phúc, có tính cốt lõi, đó là yêu thương, an toàn và tôn trọng, thực hiện tốt 3 tiêu chí này, mỗi người sẽ thấy hạnh phúc.
Điều này cần thể hiện đầy đủ trong nhà trường để hạnh phúc trong trường học, trong lớp học được lan tỏa và không chỉ người học, người dạy mà còn những người khác cũng cảm thấy được hạnh phúc.