Ước mơ của giáo viên ở điểm trường Trại Cá đã thành hiện thực
Khảo sát, thấy cảnh nhiều giáo viên nhà ở xa trường, hằng ngày phải tá túc trong 1 phòng chờ mấy mét vuông và một ô che tạm bằng tôn, đoàn cán bộ LĐLĐ tỉnh Quảng Trị quyết tâm sẽ xây nhà ở công vụ ở nơi này. Chỉ trong vài tháng, công trình đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trong niềm vui của thầy cô giáo.
Xóa phòng chờ quá tải
13 năm trước, cô giáo Hồ Thị Thanh Vân nhà ở xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) lên dạy học ở huyện miền núi Đakrông (tỉnh Quảng Trị). Cô được phân công vào Trường Tiểu học Tà Long - xã Tà Long, hiện đang giảng dạy ở điểm trường thôn Trại Cá.
Điểm trường thôn Trại Cá ở ngay bên đường Hồ Chí Minh, thuận lợi trong đi lại nếu so với một số điểm trường ở các xã trên địa bàn.
Tuy nhiên, do nhà ở xa, điểm trường không có phòng ở công vụ, nên việc ở lại, nghỉ ngơi sau giờ dạy gặp nhiều khó khăn.
Cô giáo Vân kể, ngoài mấy phòng học, ở đây có thêm 1 “phòng đa năng” để làm văn phòng, phòng nghỉ của giáo viên.
Điểm trường có 10 giáo viên nhà ở xa trường nên nhà trường đã che tạm 1 phòng bằng tôn sát vách “phòng đa năng” để giáo viên nấu ăn, tắm giặt và nghỉ ngơi. Mùa nắng, phòng tạm nóng như nung; mùa mưa, nước thấm dột khắp nơi.
Đặc biệt, thời điểm có con nhỏ, không ở lại trường được, hết giờ dạy cô giáo Vân chạy xe máy về nhà, sáng sớm lại chạy lên trường với quãng đường 130km. Mùa mưa, dọc tuyến đường nhiều điểm bị ngập sâu, sạt lở, nữ giáo viên buộc phải ở lại trường, con nhỏ đành nhờ nội ngoại.
Cũng công tác ở điểm trường thôn Trại Cá, trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Thùy Dương (quê xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) cũng tương tự cô giáo Vân.
“Khi có con nhỏ, sáng lên điểm trường dạy, tối tôi lại chạy xe máy về nhà, tổng quãng đường 180km. Biết đường xa rất nguy hiểm nhưng không có sự lựa chọn” - cô giáo Dương chia sẻ.
Khó khăn về chỗ ở, cô Vân, cô Dương cũng như các giáo viên khác đều mơ ước có nhà ở công vụ “nắng đỡ nóng, mưa không dột”.
Mấy tháng trước, khi LĐLĐ tỉnh Quảng Trị cùng đoàn công tác đi khảo sát về khó khăn của người lao động ngành giáo dục, chứng kiến tình cảnh của các thầy cô, quyết định đầu tư xây dựng nhà ở công vụ ở điểm trường Trại Cá.
Ngay khi nhà công vụ được bàn giao, đưa vào sử dụng, các giáo viên ở điểm trường thôn Trại Cá lập tức mang vật dụng ở “phòng đa năng” và phòng tạm sang 3 căn phòng mới xây.
Chỉ vài ngày nữa, cô giáo Vân sẽ đem con nhỏ lên ở lại, và được ưu tiên bố trí riêng 1 phòng; các giáo viên khác ở chung 2 phòng còn lại.
“Năm học mới, ước mơ của chúng tôi đã thành hiện thực. Có nơi ăn chốn ở ổn định, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt hơn nữa công việc của mình” - cô Dương vui mừng nói.
Nỗ lực để mơ ước của giáo viên cắm bản sớm thành hiện thực
Ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng Trị, hiện còn nhiều trường, điểm trường chưa có nhà ở công vụ.
Biết rõ những thiệt thòi của giáo viên ở nơi này, nhưng vì ngân sách địa phương đang khó khăn, nên việc xây dựng nhà ở công vụ phải xã hội hóa một phần.
Ông Nguyễn Thế Lập - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị nói rằng, sau công trình nhà ở công vụ ở điểm trường thôn Trại Cá, cuối tháng 9 này, Công đoàn ngành Giáo dục sẽ tiếp tục bàn giao, đưa vào sử dụng thêm 1 nhà ở công vụ dành cho giáo viên ở xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa).