• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường học vùng sâu ở Đắk Nông sẵn sàng bước vào năm học mới

Các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ở Đắk Nông đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng bước vào năm học mới 2024 - 2025.

Trường học vùng sâu ở Đắk Nông sẵn sàng bước vào năm học mới

Các trường học ở Đắk Nông tân trang cơ sở vật chất, bảo đảm cho năm học mới. Ảnh: Bảo Lâm

Đầu tư hơn 335 tỉ đồng chuẩn bị cho năm học mới

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 370 cơ sở giáo dục ở tất cả các bậc học.

Bước vào năm học 2024 - 2025, từ các nguồn vốn khác nhau, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông được đầu tư hơn 335 tỉ đồng để chuẩn bị cho năm học mới. Trong đó, 324,26 tỉ đồng xây mới phòng học, cải tạo sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, nhiều địa phương ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư xây mới, sửa chữa trường lớp học để đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Đắk Glong là địa phương thuộc diện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất của tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, huyện Đắk Glong là đơn vị có số kinh phí đầu tư cho ngành giáo dục lớn nhất với trên 120 tỉ đồng.

Theo UBND huyện Đắk Glong, với nguồn kinh phí này, đại phương đã xây mới 44 phòng học; 46 phòng học bộ môn; 1 nhà hiệu bộ; 6 nhà đa năng... Ngoài ra, địa phương cũng tập trung sửa chữa các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật ở các trường và các công trình phụ trợ khác.

Tại huyện Đắk Glong, xã Quảng Hòa là địa phương vùng sâu, vùng xa và khó khăn nhất của huyện. Ở địa phương này chủ yếu là con em người đồng bào dân tộc thiểu số theo học.

Ghi nhận tại đây cho thấy, công tác chuẩn bị cho năm học mới đã được nhà trường triển khai nghiêm túc, bài bản, bảo đảm cho công tác dạy và học trong năm học mới.

Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong dự kiến có khoảng 600 học sinh theo học ở 20 lớp. Trong năm học mới này, thầy và trò của nhà trường sẽ được học tập trong 6 phòng học kiên cố vừa được đầu tư, xây dựng.

“Năm học 2024 - 2025 này là năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông đối với học sinh lớp 5. Nhờ được xây mới các phòng học nên trường bảo đảm được nhu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/tuần theo quy định” - bà Thái Mai Thịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh kiểm tra cơ sở vật chất trước thềm năm học mới. Ảnh: Bảo Lâm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh kiểm tra cơ sở vật chất trước thềm năm học mới. Ảnh: Bảo Lâm

Bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác giảng dạy

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, ngay trước thềm năm học mới, Ngành Giáo dục đã tiến hành rà soát nhu cầu giáo viên năm học mới.

Trên cơ sở đó, đơn vị đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện một số giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương như dồn lớp, luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu. Bên cạnh đó, các địa phương, cơ sở giáo dục cũng có thể bố trí nhân viên và giáo viên phụ trách giảng dạy nhiều trường gần nhau trong cùng khu vực…

Cũng theo ông Phan Thanh Hải, để bảo đảm mọi điều kiện tổ chức năm học mới, UBND tỉnh đã tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đơn vị đã kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục, địa phương khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay về cả nhân lực và vật lực.

"Sở đề nghị các địa phương nhanh chóng tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo quy định nhằm bổ sung thêm số lượng giáo viên còn thiếu hiện nay. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã kiến nghị các cấp bổ sung thêm biên chế giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu dạy, học về lâu dài” - ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho hay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết