Trường ĐH Y – Dược, ĐH Huế đạt giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc 17
Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế đạt giải Nhất lĩnh vực Y - Dược tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17.
VIFOTEC trao các giải Nhất của Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17. Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế vinh dự nhận giải Nhất lĩnh vực Y - Dược. (Ảnh: ĐHH) |
Tối 23/4, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022 – 2023).
Nhóm giảng viên Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế vinh dự đạt giải nhất lĩnh vực Y - Dược với công trình "Ứng dụng kỹ thuật cộng hưởng từ khuếch tán DTI khảo sát các bó sợi thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên tại Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế".
Tác giả công trình gồm PGS.TS Nguyễn Thanh Thảo (chủ nhiệm) cùng các cộng sự là Ths Hoàng Ngọc Thành, Ths.BS Trần Hồng Phương Dung, ThS.BS Hà Thị Hiền, CN Trần Văn Hưng, CN Hoàng Văn Thuyết, CN Trần Thị Minh Ngọc, CN Võ Thị Thiên Hưng đã nghiên cứu công trình tại Bộ môn – Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế; áp dụng tại Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế (đơn vị trực thuộc Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế).
Hội thi VIFOTEC lần thứ 17 có tổng cộng 587 hồ sơ tham gia. Hội đồng đã chọn 6 giải Nhất, 12 giải Nhì, 24 giải Ba và 42 giải Khuyến khích. Sáu giải nhất được chọn đối với 6 lĩnh vực khác nhau, trong đó giải nhất lĩnh vực Y – Dược đã được trao cho nhóm tác giả của Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế và Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế là một niềm vinh dự lớn lao đối với nhà Trường và Bệnh viện Trường trực thuộc.
PGS.TS Nguyễn Thanh Thảo – đại diện nhóm tác giả Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế nhận giải Nhất lĩnh vực Y – Dược. Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc do VIFOTEC tổ chức được đánh giá là cuộc thi danh giá trong lĩnh vực khoa học sáng tạo tại Việt Nam. |
Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cộng hưởng từ khuếch tán tensor trong một số bệnh lý thần kinh trung ương và ngoại biên đã không còn quá xa lạ trên thế giới. Ở Việt Nam, cũng đã có nhiều bệnh viện sử dụng kỹ thuật này trong việc hiển thị các bó sợi thần kinh trung ương nhằm lập kế hoạch trước phẫu thuật. Tuy nhiên quá trình này đòi hỏi kiến thức kỹ năng và nhiều công sức, và đôi khi không khả thi trong điều kiện môi trường bệnh viện với hàng trăm lượt thăm khám mỗi ngày.
Có khá nhiều phần mềm hiện này không những được sử dụng cho việc xử lý ảnh nhằm hiển thị mối liên quan của các bó sợi thần kinh với các tổn thương kế cận, mà còn giúp cho việc phân tích nhóm, phân tích gộp, phân tích mối tương quan với các thông tin lâm sàng cận lâm sàng. Với những phân tích sâu này có thể cung cấp các bằng chứng khoa học hơn chính xác hơn, thậm chí nêu bật các quá trình bệnh học liên quan.
Với thành quả đạt được này, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế một lần nữa đã khẳng định là đơn vị luôn đi đầu trong đổi mới lĩnh vực đào tạo và chăm sóc sức khỏe, chú trọng đến cam kết phục vụ cộng đồng và thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn; giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật với công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng theo mô hình Trường - Viện.