Trải nghiệm học Lịch sử tại các địa chỉ đỏ
Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử và tạo sân chơi bổ ích, sinh động cho học sinh, các trường học tại Hà Tĩnh đã tổ chức đa dạng các tiết học trải nghiệm.
Dạy học tại các địa chỉ đỏ
Với hàng trăm di tích lịch sử, Hà Tĩnh là điểm đến của nhiều du khách thập phương trong hành trình về các địa chỉ đỏ. Những địa điểm này cũng là những lớp học sinh động để các học sinh tìm hiểu về bộ môn Lịch sử.
Trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử, tổ Lịch sử Trường THPT Trần Phú (huyện Đức Thọ) đã phối hợp với Đoàn trường tổ chức học tập trải nghiệm tại Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) cho học sinh khối 11.
Sau khi dâng hương tại nhà thờ, học sinh khối 11 đã được tham quan toàn bộ khuôn viên Nhà trưng bày lưu niệm. Các em còn được Ban quản lý di tích giới thiệu về lịch sử hình thành, ý nghĩa của Khu di tích, về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú. Tại khu lưu niệm, còn trưng bày hơn 200 hiện về truyền thống của quê hương Đức Thọ, sự đóng góp của TBT Trần Phú trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Buổi trải nghiệm kết thúc bằng điểm dừng chân tại bến Tam Soa (xã Tùng Ảnh) để các em khám phá thêm vẻ đẹp của quê hương Đức Thọ. Chia sẻ về buổi học, em Nguyễn Trà My hào hứng: “Em rất thích thú những tiết học trải nghiệm như vậy. Tiết học như một chuyến tham quan nhưng bọn em đã được cung cấp rất nhiều kiến thức bổ ích”.
Theo thầy Trần Đình Thám (Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú), đây là hoạt động thường niên của nhà trường. Thông qua, các tiết học trải nghiệm các em hiểu đầy đủ hơn về những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú cho sự nghiệp cách mạng. Hay qua các hiện vật các em sẽ liên hệ rõ hơn về những vấn đề - sự kiện trọng đại của dân tộc đã và đang diễn ra…
“Hoạt động góp phần giáo dục toàn diện HS, đồng thời, giúp gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp vì lợi ích của toàn xã hội. Những buổi học tập trải nghiệm như vậy đã mang lại cho học sinh những bài học sinh động, giúp các em hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa địa phương. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nỗ lực vươn lên trong học tập và lao động, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp”, thầy Thám chia sẻ.
Đa dạng các lớp học về lịch sử
Thực hiện Kế hoạch giáo dục, kế hoạch hoạt động trải nghiệm năm học 2021-2022, tổ Sử - Địa trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Lộc Hà) đã tổ chức chương trình "Theo dòng lịch sử".
Tham gia hoạt động có đông đảo thầy cô giáo và 1.200 học sinh nhà trường. Hoạt động trải nghiệm có hai phần gồm: “Tôi là nhà thông thái Lịch sử” và “Đại sứ Văn hóa - Lịch sử”.
Các em học sinh sẽ được cô giáo dẫn dắt tìm hiểu lịch sử bằng cách trả lời các câu hỏi với nhiều dữ kiện gắn với lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, những câu hỏi đi sâu vào các mốc lịch sử đặc biệt gắn liền đất và người Hà Tĩnh. Hoạt động đã thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh.
Với phần “Đại sứ Văn hóa - Lịch sử” sẽ do chính học sinh thực hiện bằng cách các em sẽ giới thiệu về một địa đỏ trên quê hương Hà Tĩnh. Năm nay, phần giới thiệu về địa chỉ đỏ do em Nguyễn Vũ Trường - 10A4 đảm nhiệm với nội dung về khu di tích lịch sử cấp Quốc gia “Ngã ba Đồng Lộc”.
Để hoàn thành bài thuyết trình, Trường cho biết, bản thân em và các bạn trong nhóm đã tìm đọc các tài liệu như sách, ảnh, bài báo… để có thêm nhiều thông tin đến các bạn. Sau khi hoàn thành, Trường gửi nhờ các thầy cô xem và bổ sung thêm những phần còn thiếu hay mở rộng hơn.
“Điều em thấy thú vị là những câu chuyện xung quanh Ngã Ba Đồng Lộc. Đó không chỉ là một tọa độ với những chiến công mà rất nhiều câu chuyện xúc động về sự hy sinh, tình đồng đội… của thế hệ cha ông. Đó sẽ là lời nhắc nhở để em tự hứa bản thân phải cố gắng hơn nữa xây dựng quê hương giàu đẹp”, Trường xúc động.
Còn tại Trường THPT Thành Sen (thành phố Hà Tĩnh) ngay từ đầu năm 2022, nhà trường đã đã tổ chức cho 100 học sinh của nhà trường tới tham quan tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh. Tiết học học Lịch sử ngoại khóa kéo dài 45 phút với chuyên đề “Di tích, danh thắng và cổ vật Hà Tĩnh”.
Tại bảo tàng, các em đã được cán bộ bảo tàng giới thiệu về các cổ vật khảo cổ được tìm thấy tương ứng với mỗi hình thái xã hội loài người do Bảo tàng Hà Tĩnh khai quật và sưu tầm trong nhiều năm. Buổi học còn được nhà trường khéo léo lồng ghép những hình ảnh của các danh lam di tích nổi tiếng tại Hà Tĩnh…
Trong phần hai của buổi học ngoại khóa, các em được làm quen với mô hình bảo tàng trực tuyến bằng các hình ảnh 3D với chủ đề “Hà Tĩnh theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ”.