• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổ chức các phiên tòa giả định trong trường học

Thời gian qua, liên tục xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường có tính chất nghiêm trọng. Thậm chí có vụ mà thủ phạm là các em học sinh chỉ mới học lớp 6, lớp 7 khiến dư luận bức xúc.

Hậu quả của nhiều vụ bạo lực học đường đã gây nên những tổn thương nghiêm trọng cho nạn nhân về mặt tinh thần lẫn thể xác, gây mất trật tự xã hội. Trong khi đó, nhiều em biết việc đánh bạn học là hành vi sai trái, vi phạm nội quy nhà trường, thậm chí vi phạm pháp luật nhưng do bốc đồng, thiếu suy nghĩ, kiềm chế, các em đã bất chấp.

Không thể cứ để tiếp diễn mãi nạn bạo lực học đường. Ngoài việc xem xét xử lý kỷ luật từ phía nhà trường và giáo dục từ gia đình, đối với các hành vi bạo lực học đường có tính chất nghiêm trọng, cần mạnh tay xử lý bằng những quy định của pháp luật khác nhằm để răn đe, phòng ngừa và làm gương.

Ngoài ra, việc tăng cường các tiết học giáo dục công dân, giáo dục pháp luật đối với học sinh nhằm nâng cao hơn nữa kỹ năng, ý thức chấp hành luật pháp cũng như hiểu biết cơ bản, như: độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội, cho người khác; quy định của pháp luật về các tội cố ý gây thương tích, làm nhục người khác cùng mức hình phạt…

Đặc biệt, nhà trường cần thường xuyên và định kỳ tổ chức các tiết học thực hành là các phiên tòa hình sự giả định trong nhà trường. Hiện nay, tại một số trường học ở TP HCM đã tổ chức các phiên tòa hình sự giả định bằng việc mời các luật sư, chuyên gia pháp luật, thành lập hội đồng xét xử, có đại diện viện kiểm sát, luật sư bào chữa, bị cáo... với tội danh cụ thể nhằm giáo dục, tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức về luật pháp hình sự đối với học sinh. Qua các phiên tòa giả định, các em được thực hành và biết được những hành vi, các quy định của pháp luật hình sự mà đôi khi việc học lý thuyết suông sẽ rất mơ hồ, khó hình dung cụ thể.

Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng ở địa phương cũng cần phối hợp với các nhà trường tổ chức phiên tòa giả định gắn với thực tế một số vụ án có liên quan đến người chưa thành niên phạm tội. Ngoài tổ chức phiên tòa giả định, việc cho học sinh tham dự các phiên xét xử tại tòa đối với những vụ án mà bị cáo là người trẻ tuổi cũng đem lại hiệu quả tuyên truyền cao. Đó cũng là cách hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi bạo lực học đường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...