• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thứ trưởng Bộ GDĐT nói về kinh phí dạy thêm chưa thuyết phục

Liên quan đến kinh phí trả cho giáo viên dạy thêm trong trường học, Thứ trưởng Bộ GDĐT đã có câu trả lời, nhưng vẫn chưa thuyết phục.

Thứ trưởng Bộ GDĐT nói về kinh phí dạy thêm chưa thuyết phục

Những quy định mới về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14.2 tới đây. Ảnh minh hoạ: Vân Trang

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu quan điểm: "Nếu ở tỉnh nào, Sở GDĐT có thể tham mưu cho tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các giáo viên tham gia tổ chức các lớp này, Bộ GDĐT hết sức khuyến khích…".

Có nghĩa là, chuyện trả thù lao cho giáo viên dạy thêm trong trường học tùy thuộc vào khả năng tham mưu của các Sở GDĐT địa phương với tỉnh. Được thì tốt, không được cũng không sao.

Trong lúc, Điều 7, Thông tư 29 quy định, kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Quy định này phải được hiểu, phải có ngân sách chi trả cho hoạt động dạy thêm trong nhà trường. Đã là quy định của pháp luật, không thể hiểu hai ba nghĩa và cũng không thể thực hiện hay không thực hiện cũng được.

Còn nữa, Thông tư 29 điều chỉnh trên phạm vi toàn quốc, chẳng lẽ tỉnh nào cấp kinh phí thì giáo viên dạy thêm được hưởng thù lao, tỉnh nào không cấp thì giáo viên không được hưởng.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói thêm: "Chúng tôi đề nghị các tỉnh, thành trách nhiệm. Để các học sinh đảm bảo được tốt việc thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT là trách nhiệm của ngành giáo dục, của các thầy cô giáo giảng dạy bộ môn, của nhà trường.

Học sinh chưa đạt chuẩn, chúng ta phải có trách nhiệm bổ trợ kiến thức cho các em đạt chuẩn. Các em còn lo lắng, lúng túng chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, nhà trường phải có các hình thức bổ trợ một cách phù hợp, không được buông lỏng”.

Rất đúng, nhà trường, giáo viên phải có trách nhiệm chuẩn bị kiến thức cho học sinh thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có học lực như nhau, sức tiếp thu như nhau. Những học sinh yếu hoặc trung bình vẫn có nhu cầu được phụ đạo để theo kịp chương trình, thi cử có kết quả tốt. Hơn nữa, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT được dùng để xét tuyển đại học nên đa số học sinh có nhu cầu học thêm.

Giáo viên tham gia phụ đạo cho học sinh có nhu cầu học thêm trong nhà trường, đó là trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, nhưng làm thêm phải có thu nhập thêm.

Xin hỏi Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, ngoài giờ dạy chính khóa, nếu giáo viên không tham gia dạy thêm trong nhà trường thì có vi phạm gì không?

Nếu tham gia dạy thêm ngoài giờ, thì phải có kinh phí cho hoạt động này.

Đây chính là điều cần phải giải quyết rốt ráo, không thể nói nửa vời.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...