• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cơ hội cho học sinh dân tộc thiểu số Hà Giang bước vào đại học

Theo khảo sát, gần 4.500 học sinh đăng ký nguyện vọng vào Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang trên tổng số 1.150 chỉ tiêu tuyển sinh.

Tăng cơ hội bước vào cánh cổng đại học cho học sinh dân tộc thiểu số miền núi Hà Giang.
Tăng cơ hội bước vào cánh cổng đại học cho học sinh dân tộc thiểu số miền núi Hà Giang.

Tăng cơ hội học tập cho học sinh dân tộc thiểu số

Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang mới được thành lập từ đầu năm 2023. Đây là năm đầu tiên phân hiệu tuyển sinh, dự kiến đón khoảng hơn 1.000 sinh viên vào học tại 14 ngành trình độ đại học, 1 ngành trình độ cao đẳng.

Bên cạnh 3 ngành được Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo gồm 2 ngành hệ đại học là Giáo dục mầm non, Giáo dục Tiểu học và 1 ngành Giáo dục Mầm non hệ cao đẳng, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang còn phối hợp với các trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên đào tạo 12 ngành đại học khác là Du lịch, Luật, Ngôn ngữ Anh, Kinh doanh quốc tế, Chăn nuôi thú y, Khoa học cây trồng, Nông nghiệp công nghệ cao, Quản lý tài nguyên và môi trường, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật xây dựng.

Tăng cơ hội cho học sinh dân tộc thiểu số Hà Giang bước vào đại học ảnh 1
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tới thăm Phân hiệu Trường Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang và trò chuyện với sinh viên.

Theo ông Lục Quang Tấn, Giám đốc Phân hiệu cho biết: Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang được thành lập với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho con em đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc chủ yếu hệ đại học, cao đẳng chính quy, nhằm tăng cơ hội cho các thí sinh vùng cao bước vào giảng đường đại học.

Công tác tuyên truyền, tuyển sinh được Phân hiệu tổ chức thực hiện tại 50 trường THPT trên địa bàn tỉnh Hà Giang và các huyện lân cận thuộc tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, với 3 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT và xét tuyển dựa vào kết quả học tập ghi trong học bạ THPT, đồng thời kết hợp thi tuyển và xét tuyển đối với ngành Giáo dục Mầm non hệ đại học và cao đẳng.

Theo khảo sát đã có gần 4.500 thí sinh đăng ký xét tuyển vào Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang trên tổng số 1.150 chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhất ở các ngành: Du lịch (844 thí sinh), Giáo dục Tiểu học (497 thí sinh), Giáo dục Mầm non trình độ Đại học (456 thí sinh) và trình độ Cao đẳng (363 thí sinh). Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non cũng là 2 ngành có chỉ tiêu tuyển sinh cao hơn so với các ngành còn lại. Đây cũng là những ngành mà tỉnh Hà Giang đang thiếu nguồn nhân lực.

Nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên

Cũng theo ông Lục Quang Tấn, Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang, sinh viên Phân hiệu không chỉ được trải nghiệm môi trường học tập năng động, hiện đại, thân thiện để phát triển bản thân một cách toàn diện mà còn nhận được nhiều ưu đãi về miễn giảm, hỗ trợ học phí, chỗ ở, dành cho các đối tượng thuộc chương trình, đề án được miễn học phí theo quy định của Chính phủ.

Cụ thể, sinh viên sẽ được miễn, giảm học phí, trợ cấp từ 100.000 đến 140.000 đồng/người/tháng, hưởng 10 đến 12 tháng/năm và hỗ trợ chi phí học tập cho các sinh viên là người dân tộc thiểu số ở những thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định chung của Nhà nước.

Trong đó, các sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người, gồm 16 dân tộc (Cống, Mảng, PuPéo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ) được hưởng 100% mức lương cơ sở/người/tháng với thời gian hưởng 12 tháng/năm.

Tăng cơ hội cho học sinh dân tộc thiểu số Hà Giang bước vào đại học ảnh 2

Theo học ở Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang sinh viên không chỉ được đào tạo nghề nghiệp, Phân hiệu luôn chú trọng phát triển các kỹ năng mềm qua các câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc, khởi nghiệp và nhiều hoạt động ngoại khoá... giúp sinh viên phát triển toàn diện.

Đối với các sinh viên các ngành Sư phạm, bên cạnh việc được hỗ trợ tiền học phí, các sinh viên còn được hỗ trợ chi phí sinh hoạt, hưởng học bổng khuyến khích học tập và các khoản hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.

Đặc biệt, đối với các sinh viên khối ngành Dược liệu và Hợp chất thiên nhiên, Phân hiệu được giao 30 chỉ tiêu và dự kiến sẽ cấp học bổng 3.600.000đ/tháng/ 10 tháng trên năm đồng thời hỗ trợ tìm kiếm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Với đội ngũ giảng viên trình độ cao, giàu nhiệt huyết, yêu nghề, thân thiện, am hiểu lịch sử, văn hoá bản địa khu vực miền núi phía Bắc, cơ sở vật chất, thư viện, thiết bị thí nghiệm – thực hành hiện đại cùng chương trình đào tạo thường xuyên cập nhật theo xu hướng, sinh viên sẽ được học tập, trải nghiệm những kiến thức, kỹ năng phù hợp với nhu cầu việc làm ở hiện tại và tương lai.

Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang được thành lập theo Quyết định số 456/QĐ-BGDĐT ngày 10/02/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đây là cơ sở giáo dục đại học công lập, đào tạo đa ngành, trực thuộc Đại học Thái Nguyên.

Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang được giao trọng trách là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học, cung cấp dịch vụ về đào tạo, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và các loại hình đào tạo khác, là cơ sở nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Hà Giang và các tỉnh lân cận; liên kết trong nước, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học kỹ thuật.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...