Sớm đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Ngôn ngữ, cụ thể là Tiếng Anh chính là cánh cửa mở tương lai, giúp học sinh, sinh viên có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Trước thềm đối thoại giữa thanh niên Thủ đô với Chủ tịch UBND thành phố trong khuôn khổ Đại hội Hội LHTN TP Hà Nội, nhiều bạn trẻ mong muốn, ngành giáo dục cần có những giải pháp đột phá để sớm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Tiếng Anh không còn là môn học đơn thuần
Kết luận số 91-KT/TW của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ mang tính đột phá trong việc dạy và học tiếng Anh với nội dung trọng tâm: "Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học...".
Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục cũng đặt ra yêu cầu: “Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".
Giờ học Tiếng Anh của học sinh Hà Nội |
Với 2.913 trường học, hơn 13.000 cán bộ, giáo viên và hơn 2,3 triệu học sinh, ngành Giáo dục Hà Nội có quy mô lớn nhất cả nước. Không chỉ phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng giáo dục Thủ đô không ngừng tăng lên, trở thành hình mẫu tiêu biểu của cả nước.
Năm học 2023-2024, sự nghiệp giáo dục Thủ đô đạt được những kết quả toàn diện ở các cấp học, ngành học, hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm.
Học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, cao hơn 43 học sinh so với năm 2023; nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc tế, đặc biệt là có 2 học sinh giành 2 Huy chương vàng Olympic sinh học và hóa học, 3 học sinh đạt giải trong kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc gia, 35 học sinh đạt giải quốc gia trong cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp...
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh thành phố năm học 2023 - 2024 tiếp tục có chuyển biến mạnh với 99,81% học sinh tốt nghiệp, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11).
Với những thành tích ấy, cùng vị trí là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá - xã hội của cả nước, nơi tập trung các trường đại học, học viện hàng đầu, ngành Giáo dục Thủ đô có nhiều cơ hội phát triển bứt phá, nhiều thuận lợi để nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh.
Kỳ vọng việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh
Việc sớm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học theo Kết luận số 91-KT/TW của Bộ Chính trị và kế hoạch trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục cũng là mong muốn, nguyện vọng của nhiều thanh niên Thủ đô.
Tiếng Anh chính là cánh cửa mở ra tương lai và nhiều cơ hội với thanh niên |
Bạn Nguyễn Thị Thanh Bình - sinh viên năm thứ 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ: Những năm gần đây, việc dạy và học tiếng Anh ngày càng được quan tâm không chỉ với những cơ sở giáo dục mà lan tỏa tính tích cực đến với học sinh, phụ huynh bởi đều nhận thức được rằng ngôn ngữ này sẽ trở thành một công cụ trong tương lai chứ không chỉ là một môn học đơn thuần. Tuy vậy, để tiếng Anh có thể trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.
“Vị thế của môn học dù đã được tăng đáng kể với bước chuyển vượt bậc, nhưng môn tiếng Anh nói riêng và môn học Ngoại ngữ nói chung vẫn là “điểm trũng” của đa số học sinh, đặc biệt là học sinh ở các huyện ngoại thành xa xôi của Thủ đô Hà Nội. Theo em, cần phải tích cực tổ chức các hoạt động hướng đến học sinh ngoại thành để giúp các em có môi trường học và thực hành kỹ năng ngoại ngữ”, Bình nói.
Trong khi đó, Lê Thị Hà Anh, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội nhận xét: Kết quả thi môn tiếng Anh trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT gần đây cho thấy, dù điểm thi trung bình đã được cải thiện, song vẫn là môn có số học sinh đạt điểm dưới trung bình nhiều nhất so với các môn thi khác, đặc biệt có sự phân hóa lớn theo khu vực, tỉnh thành.
Cùng với vấn đề thiếu giáo viên, nhận thức của học sinh cũng đang là trở ngại trong việc dạy và học ngoại ngữ. Thực tế cho thấy, việc học tiếng Anh của nhiều học sinh vẫn còn nặng tư duy điểm số, học để thi, học sinh có thể thi được điểm cao về ngữ pháp nhưng lại chưa tự tin giao tiếp như một ngôn ngữ thứ hai.
“Vì vậy, việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai phải được hiện thực hóa và gắn chặt với việc nâng cao kiến thức, công ăn việc làm cho thế hệ trẻ và người lao động. Đồng thời, cần thí điểm để nhân rộng việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, sau đó là các môn khoa học xã hội”, Hà Anh bày tỏ quan điểm.
Góp ý về giải pháp sớm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, bạn trẻ Nguyễn Thị Hải Yến - quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Ngoài việc nâng cao chất lượng dạy và học, ngành giáo dục cần xây dựng môi trường học tập, để phong trào học tiếng Anh gắn với những hoạt động giáo dục trong nhà trường, khuyến khích các em học tiếng Anh từ nhỏ, xây dựng tình yêu ngôn ngữ và giúp các em hiểu được lợi ích của việc sử dụng tiếng Anh, để học sinh không cảm thấy “sợ” tiếng Anh”.
Một số chuyên gia cũng cho rằng: Cùng với chuẩn bị đầy đủ hành lang pháp lý, cần tăng cường xã hội hóa giáo dục, có chế độ đãi ngộ để thu hút giáo viên, tháo gỡ những khó khăn cho trường công lập khi tuyển dụng giáo viên nước ngoài. Đây cũng là xu hướng tất yếu khi Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. |