Phụ huynh đừng quá căng thẳng khi con mình không vào được trường công
Kỳ thi vào lớp 10 trường công lập năm nay cũng sẽ hạn chế đầu vào, sẽ có rất nhiều học sinh không có được chỗ ngồi trong trường công như mọi năm.
Đa số phụ huynh đều muốn con mình thi đỗ vào lớp 10 trường công, sau đó là tốt nghiệp và vào đại học, kiếm một tấm bằng cử nhân, kỹ sư để vào đời. Lâu nay, tấm bằng đại học như “ám ảnh” trong suy nghĩ của nhiều người, phải có nó mới là “có học”, mới là người thành đạt. Cho nên, cha mẹ rất buồn khi con mình thi rớt đại học hay có những lựa chọn khác ngoài cổng trường đại học.
Có điều, thực tế đời sống đã khác, nhu cầu của thị trường hiện nay phá vỡ mọi quy tắc được định hình lâu nay. Có rất nhiều người cầm tấm bằng đại học nhưng thất nghiệp, ngược lại không ít người chỉ học nghề nhưng có việc làm ổn định, thu nhập cao, có người làm ông chủ thành đạt.
Trở lại với kỳ thi vào lớp 10 năm nay, đối với những học sinh không vào được trường công thì có nhiều cánh cửa khác để lựa chọn. Các bậc phụ huynh nhìn xa trông rộng, chắc chắn đã có sự chuẩn bị cho con mình. Người có điều kiện sẽ cho con du học, vào trường quốc tế, vào trường tư, không nhất thiết chỉ vào trường công và cho đó là nơi dạy con mình tốt nhất, chất lượng cao nhất.
Còn một cánh cửa nữa là trường nghề. Cha mẹ có thể chọn cho con mình những trường nghề chất lượng cao, đào tạo ra công nhân kỹ thuật, thợ lành nghề. Hiện nay, thị trường lao động "thừa thầy thiếu thợ", người nào thực sự là thợ giỏi thì không lo gì việc làm. Công nhân kỹ thuật, thợ giỏi không chỉ có việc làm ổn định mà thu nhập cao. Vậy thì, cầm tấm bằng đại học mà lang thang tìm việc và cầm tấm bằng nghề lương cao bên nào giá trị hơn đã quá rõ.
Cha ông nói "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" từ xưa nhưng ngày nay vẫn đúng. Học một cái nghề và làm thợ giỏi là thực tế, còn hơn chạy theo những giá trị ảo. Bằng cấp không chất lượng, học ngành nghề thị trường không có nhu cầu, thì đó chỉ là vật trang trí hoặc liều thuốc "an thần" cho bản thân và gia đình mà thôi.
Nhưng có một đòi hỏi từ phía người học, đó là trường nghề phải đạt chất lượng, đào tạo nguồn nhân lực có thực chất. Sòng phẳng mà nói, trường nghề chất lượng cao còn quá ít, không đủ sức tạo niềm tin và động lực để phụ huynh gửi gắm. Nếu các trường nghề nâng cao chất lượng, cung cấp cho thị trường thợ giỏi, liên kết đào tạo đại học cho những học viên có nhu cầu, thì sẽ là cánh cửa tốt cho học sinh lựa chọn.