Những điều cần lưu ý về bằng tốt nghiệp đại học nhưng không phải ai cũng biết, đặc biệt là sinh viên
Trên thực tế, bằng tốt nghiệp đại học có rất nhiều loại nhưng hầu hết sinh viên đều chưa nắm rõ mình sẽ sở hữu loại bằng nào. Tùy vào mỗi ngành nghề, sinh viên sẽ được cấp các loại bằng khác nhau sau khi hoàn thành chương trình học.
Chương trình học đại học là nơi mà các sinh viên sẽ được tự do lựa chọn môn học, giảng viên và khung giờ học. Với mỗi chương trình học khác nhau, tùy vào từng ngành nghề, sau khi hoàn thành chương trình học thì sinh viên sẽ được cấp bằng tốt nghiệp đại học tùy vào ngành theo học.
Để biết bằng đại học hiện nay có những loại nào và ai sẽ là người nhận những tấm bằng đó, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của chúng tôi.
Bằng tốt nghiệp đại học là gì?
Tại khoản 2, Điều 12, Luật Giáo dục 2019 có quy định về văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
Từ quy định trên, có thể hiểu bằng tốt nghiệp đại học là tên gọi khác của bằng cử nhân. Mặt khác, bằng tốt nghiệp đại học là một loại văn bằng được cấp cho sinh viên sau khi hoàn thành chương trình học đại học và đạt đủ các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ theo quy định của cơ sở giáo dục đại học.
Có mấy loại bằng tốt nghiệp đại học
Theo Khoản 2 Điều 12 Luật Giáo dục 2019 quy định, các loại văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: Bằng tốt nghiệp THCS; bằng tốt nghiệp THPT; bằng tốt nghiệp trung cấp; bằng tốt nghiệp cao đẳng; bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
Riêng với bằng tốt nghiệp đại học (hay còn gọi với tên khác là bằng tốt nghiệp cử nhân), Luật quy định, đây là loại chứng chỉ sinh viên sẽ nhận được sau khi hoàn thành chương trình học tại các trường đại học với mức xếp loại: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình.
Bằng tốt nghiệp đại học chia theo 5 ngành nghề:
Bằng cử nhân (bằng tốt nghiệp đại học của các ngành khoa học cơ bản Sư phạm, Luật, Kinh tế);
Bằng bác sĩ, bằng dược sĩ (bằng tốt nghiệp đại học của ngành Y dược);
Bằng kỹ sư (bằng tốt nghiệp đại học của ngành Kỹ thuật);
Bằng kiến trúc sư (bằng tốt nghiệp đại học của ngành Kiến trúc);
Bằng tốt nghiệp đại học của các ngành còn lại.
Bằng tốt nghiệp đại học được cấp như thế nào?
Điều kiện để được xét bằng tốt nghiệp đại học
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sinh viên được xét và công nhận tốt nghiệp đại học khi có đủ các điều kiện sau:
Tích lũy đủ học phần, số tín chỉ và hoàn thành các nội dung bắt buộc khác theo yêu cầu của chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Điểm trung bình tích lũy của toàn khóa học đạt từ trung bình trở lên.
Tại thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập.
Do đó, sinh viên muốn được xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp đại học phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.
Cách xếp loại bằng tốt nghiệp đại học
Theo khoản 5, Điều 10, Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá kết quả học tập theo học kỳ, năm học đối với giáo dục đại học như sau:
Đánh giá kết quả học tập theo học kỳ, năm học:
... 3. Những điểm chữ không được quy định tại khoản 2 Điều này không được tính vào các điểm trung bình học kỳ, năm học hoặc tích lũy. Những học phần không nằm trong yêu cầu của chương trình đào tạo không được tính vào các tiêu chí đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
4. Cơ sở đào tạo đang đào tạo theo niên chế và sử dụng thang điểm 10 thì tính các điểm trung bình dựa trên điểm học phần theo thang điểm 10, không quy đổi các điểm chữ về thang điểm 4. Trong trường hợp này, quy chế của cơ sở đào tạo quy định cụ thể các mức xử lý kết quả học tập để tương đương và thay thế cho các quy định tại Điều 12 của Quy chế này.
5. Sinh viên được xếp loại học lực theo điểm trung bình học kỳ, điểm trung bình năm học hoặc điểm trung bình tích lũy như sau:
a) Theo thang điểm 4:
- Từ 3,6 đến 4,0: Xuất sắc;
- Từ 3,2 đến cận 3,6: Giỏi;
- Từ 2,5 đến cận 3,2: Khá;
- Từ 2,0 đến cận 2,5: Trung bình;
- Từ 1,0 đến cận 2,0: Yếu;
- Dưới 1,0: Kém.
b) Theo thang điểm 10:
- Từ 9,0 đến 10,0: Xuất sắc;
- Từ 8,0 đến cận 9,0: Giỏi;
- Từ 7,0 đến cận 8,0: Khá;
- Từ 5,0 đến cận 7,0: Trung bình;
- Từ 4,0 đến cận 5,0: Yếu;
- Dưới 4,0: Kém....
Theo đó, cách xếp loại bằng tốt nghiệp đại học theo thang điểm 4 như sau:
- Từ 3,6 đến 4,0: Xuất sắc;
- Từ 3,2 đến cận 3,6: Giỏi;
- Từ 2,5 đến cận 3,2: Khá;
- Từ 2,0 đến cận 2,5: Trung bình;
- Từ 1,0 đến cận 2,0: Yếu;
- Dưới 1,0: Kém.
Lưu ý: Thực tế, tùy vào quy định mỗi trường đại học, việc xếp loại bằng tốt nghiệp sẽ cần nhiều yếu tố như điểm rèn luyện, thành tích thi đua khen thưởng,...Cho nên sinh viên cần tìm hiểu kỹ để cố gắng hoàn thành nhằm đạt được loại bằng mà mình mong muốn.
Mất bằng tốt nghiệp đại học có được cấp lại không?
Theo quy định, tất cả các loại văn bằng, chứng chỉ được cấp một lần. Các văn bằng, chứng chỉ sẽ được cấp lại trong điều kiện phát hiện cơ quan cấp viết sai thông tin.
Ngoài ra, với bậc đại học, khi bị mất bằng tốt nghiệp, sinh viên sẽ không được cấp lại bản gốc mà chỉ được cấp bản sao từ sổ gốc. Bản sao của bằng tốt nghiệp đại học có giá trị sử dụng thay cho bản chính. Như vậy, khi mất bản chính bằng tốt nghiệp đại học, người học sẽ không được cấp lại bản gốc.
Trong trường hợp bạn có yêu cầu cấp lại văn bằng, chứng chỉ cần gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho cơ quan có thẩm quyền. Bộ hồ sơ gồm: đơn đề nghị cấp lại văn bằng, chứng chỉ; văn bằng, chứng chỉ đề nghị cấp lại; giấy tờ chứng minh cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ viết sai văn bằng, chứng chỉ.
Hiện nay, lệ phí cấp lại bản sao bằng tốt nghiệp đại học được thu theo quy định của từng trường, thường dao động khoảng 30 - 50.000 đồng/bản, cao nhất 80.000 đồng/bản.