Nhớ hoài hình bóng thầy cô
Có những vùng ký ức thẳm sâu trong mỗi đời người. Có những ký ức đã nhòe mờ theo thời gian, song cũng có những ký ức neo giữ mãi hoặc tạm ẩn đâu đó trong vùng vỏ não, bỗng một hôm trở về xôn xao. Mà cũng lạ, có những ký ức khắc ghi từ thuở thiếu thời, kể cả lúc vừa bước vào tuổi đi học đầu đời, vậy mà nhớ lâu, nhớ mãi.
Và trong tôi có một dòng ký ức về những ngày đi học thời thơ dại ở thị xã Quảng Trị đến tuổi hoa niên ở trường cấp hai rồi cấp ba Gio Linh, sâu đậm bóng dáng những người thầy cô yêu kính.
Thầy của nhiều thế hệ
Ở Quảng Trị những năm 1950-1970 thế kỷ trước, nhiều người biết ông Trợ Phong, một thầy giáo tiểu học dạy hay nổi tiếng khắp tỉnh. Thuở trước, ông từng dạy ba tôi học; đến những năm 1970, nhà ông đối diện nhà tôi trong xóm nhỏ ở thị xã Quảng Trị nên tôi may mắn được theo học với ông. Lũ chúng tôi, lao nhao, từ 5 đến 8 tuổi, được ngồi học dưới mái hiên nhà ông. Ông Trợ người phốp pháp, đeo cặp kính dày cộm. Ông dạy chúng tôi học chữ, làm toán và cả tiếng Pháp. Ông dạy rất hay, dễ hiểu, học trò tiếp thu nhanh. Ông cũng có cây roi nhưng để dọa là chính, bởi học trò đều ngoan, được cha mẹ đưa đến, xin ông cho vào học, ông nhận lời dạy là hoan hỷ ra về.
Niềm vui ngày tựu trường của cô trò Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TP HCM) Ảnh: hoàng triều
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Lạc Long Quân, quận 11. Ảnh: Tấn Thạnh
Vừa mới học đánh vần xong, viết chưa thạo, nên đám trẻ học tiếng Pháp cũng hơi cập rập. Ông dặn: "ou" thì đọc là "u"; "oi" đọc là "oa", "ch" đọc là "s", nên mouchoir đọc là "mù soa" (khăn tay nhỏ). Nhưng đám nhỏ chúng tôi mới học tiếng Việt nên thỉnh thoảng cũng sai, cứ gào: "mù choi", vậy là ông Trợ vung roi lên. Ðọc lại thì đúng, lát sau có đứa quên, lại "mù choi", thế là ông đứng dậy, ông bước vài bước thì thằng nhỏ đã vọt ra sân rồi... Vậy nhưng nhờ ông mà chúng tôi tiến bộ, ít nhất sau này ra đời học ngoại ngữ thì vẫn nhớ ơn ông đã dạy chúng tôi biết đọc đúng về các phụ âm, biết đọc đúng khi chữ "s" nằm giữa hai nguyên âm.
Năm 1972, gia đình ông chuyển vào Ðà Nẵng, chúng tôi còn có dịp gặp ông, sau đó ông chuyển vào Ðịnh Quán, Ðồng Nai và mất ở đó khi tuổi đã cao.
Một thầy giáo đáng kính khác tôi còn nhớ tên là thầy Ðức, khi tôi học lớp Ba ở Trường Nam Quảng Trị. Thầy Ðức người nhỏ nhắn, đeo kính trắng, đi chiếc xe đạp, yên sau buộc chiếc cặp và chiếc roi mây. Lúc đó, đám học trò học bên mái trường dưới chân thành cổ Quảng Trị ngày ấy luôn nhớ bóng thầy đạp xe vào trường. Thầy dựng xe bên hiên rồi ôm cặp, xách roi vào lớp, học trò nghịch mấy cũng nơm nớp sợ, bởi đứa nào cũng từng chứng kiến cảnh thầy phạt những đứa có lỗi nằm sấp trước hiên rồi thầy quất vào mông đen đét. Ðau mà không dám khóc, mà nhủ lòng không dám phá phách hay chểnh mảng học hành nữa vì sợ ngọn roi nghiêm khắc của thầy.
Thị xã Quảng Trị ngày ấy đẹp lắm, những hàng cây rủ bóng, soi mình xuống dòng Thạch Hãn xanh trong. Ngoài cụm phố ở khu trung tâm, còn lại thị xã rợp bóng cây xanh của xóm làng. Gần nhà tôi ở khoảng vài trăm mét, qua ngã tư, có giếng nước lớn cho cư dân nhiều xóm là đến nhà cô Hương, một ngôi nhà khá lớn trong khu vườn rộng, nhiều cây trái. Chúng tôi ngồi học vỡ lòng ngay trong nhà cô, đầu hồi chim hót véo von, nhìn ra vườn hoa nở sáng bừng, thỉnh thoảng có tiếng rơi của những trái mận chín. Biết tỏng học trò khoanh tay: "Thưa cô, cho con ra ngoài" là kiếm trái cây ngon, bỏ đầy túi quần rồi xin vào lớp song cô luôn cười hiền từ. Trên bàn, cô vẫn để trái cây cho học trò, song tuổi thơ luôn thích được ra vườn khám phá, tự tay hái lượm... mới vui. Cô dạy rất hay, nhiều học trò của cô đều viết chữ đẹp, đúng chính tả và học rất giỏi.
Sau giải phóng, tôi về sống ở quê nhà tại huyện Gio Linh và bắt đầu học ở trường tranh tre nứa lá. Chúng tôi nhớ nhất thầy Sơn và cô Hòa. Xa gia đình, vào dạy học trên đất nghèo những năm cả nước khó khăn, chúng tôi biết thầy cô cũng đói, rét khi sống trong những căn phòng mái lá, vách thưng; cơm ăn không no, áo không đủ ấm. Nhưng thầy cô thuở đó vẫn đứng lớp, dạy chúng tôi kiến thức sách vở và những điều tốt đẹp của đời người...
Lên cấp ba Gio Linh, chúng tôi con nhà nghèo không đủ tiền trọ học, chấp nhận đi bộ hơn 10 cây số từ nhà đến trường và ngược lại. Ðường từ làng lên huyện nhanh nhất là xuyên qua động cát, mùa mưa thì nhiều đoạn phải lội nước; còn mùa nắng thì cát bỏng bàn chân. Hầu như ngày nào trong mùa hè tôi cũng ở hơn nửa ngày trên sông Thạch Hãn, với chiếc thuyền nan và cái cào để cào chắt chắt (một loại hến nhỏ, có nhiều trên sông các tỉnh miền Trung). Thuở đó mỗi ngày tôi cào được cả tạ nhưng đem bán chỉ được không quá 200.000 đồng thời giá hôm nay, cũng đủ đắp đổi để phụ ba mạ tôi nuôi bầy con 7 anh em chúng tôi. Nay thì chắt chắt đã lên hàng đặc sản, loài này cũng ít dần đi, không còn nhiều như thuở đó và bán được giá hơn nhiều.
Trên trời nắng chang chang như đổ lửa. Gió Lào thổi về ràn rạt, nước sông xanh ngắt, mặn mòi. Tôi trồi lên ngụp xuống suốt ngày lặn cào chắt chắt giữa nắng và nước nên tóc tự nhiên được nhuộm vàng hoe (như một số thanh niên thời nay vậy). Vào lớp 10, vừa lúc có đợt giáo viên tỉnh tăng cường từ Huế ra, trong đó có cô Ấn dạy Anh văn. Cô người Huế, giọng nói ngọt ngào. Thấy đứa học trò bé tí xíu (tôi chậm lớn, nhỏ con hơn so với bạn bè), tóc lại nhuộm vàng, học Anh văn cũng khá, cô thấy lạ... Khi biết tôi tóc vàng do nắng do nước, cô càng thương hơn. Gần hết năm học, tóc tôi bớt vàng đi, cô nói: "chừ bớt vàng rồi hè ni em lại suốt ngày trên sông cào chắt chắt, ra năm học mới tóc em lại vàng". Mà cô nói thiệt đúng, năm sau tóc tôi lại vàng khi lên lớp 11. Chỉ đến khi lên 12 thì đỡ hơn nhiều vì ít ra ngoài sông hơn, rồi cả nhà rục rịch chuyển vào Nam, từ đó xa quê biền biệt.
Một lòng yêu kính, biết ơn
Tôi luôn giữ một góc lòng thương quý dành cho thầy Nguyễn Trọng Thể, chủ nhiệm lớp tôi những năm cấp ba. Thầy hay hỏi thăm về ba tôi (bạn cùng lứa với thầy ngày trước), thầy nói ba tôi ngày xưa học giỏi, con nên gắng học theo. Thấy tôi học giỏi, thầy càng chú ý bồi dưỡng thêm cho tôi mau tiến bộ. Sau này khi tôi đã ra đời, đi làm ở TP HCM, thầy vào thành phố có nhắn tôi đến gặp, thầy trò gặp nhau thật vui và xúc động. Thầy mất cũng đã lâu, nay các con thầy đều thành đạt, có người giữ trọng trách trong ngành giáo dục ở một tỉnh Tây Nguyên. Với tôi, thầy luôn thương yêu như cha thương con và tôi cũng một lòng yêu kính, biết ơn thầy.