Nghẽn liên kết quốc tế ở trường phổ thông
Theo nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà giáo băn khoăn liệu có cơ chế liên kết quốc tế nào cho trường phổ thông nếu học sinh thật sự có nhu cầu?
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết Sở GD-ĐT thành phố đã có văn bản đề nghị Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP HCM) không tổ chức thi chứng chỉ AP (Advanced Placement) vào tháng 5 sắp tới.
Trường phổ thông công lập chưa thực hiện liên kết
Cụ thể, theo văn bản của Sở GD-ĐT TP HCM, Trường Phổ thông Năng khiếu là đơn vị sự nghiệp công lập, có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ được quy định của Thông tư hợp nhất số 20/VBHN-BGDĐT, ngày 30-5-2014, của Bộ GD-ĐT, về ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của trường THPT.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, Nghị định số 43 năm 2006 của Chính phủ có quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập có nêu rõ nguyên tắc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm được áp dụng đối với các nhiệm vụ được giao; Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học được ban hành kèm theo Thông tư 32, tháng 9-2020 của Bộ GD-ĐT, nêu rõ việc thực hiện các hoạt động về bảo đảm chất lượng giáo dục, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ GD-ĐT. Do vậy, việc phối hợp tổ chức thực hiện các bài thi (chuẩn hóa bằng tiếng Anh các môn toán học, tin học, vật lý, hóa học, sinh học, ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, tâm lý, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học…) của kỳ thi AP của College Board, Mỹ tại Trường Phổ thông Năng khiếu trong thời gian từ ngày 1 đến 12-5-2023 là chưa phù hợp với các nhiệm vụ được giao của trường THPT chuyên.
Học sinh trong kỳ thi vào Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP HCM
Sở GD-ĐT thành phố đề nghị Trường Phổ thông Năng khiếu thực hiện đúng quy chế hoạt động của ĐHQG TP HCM, các quy định của Bộ GD-ĐT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hoạt động của nhà trường.
Trước đó, thông tin từ Trường Phổ thông Năng khiếu cho biết trường đã mở 11 lớp ôn thi chứng chỉ AP ở nhiều môn học với các cấp độ khác nhau như toán, toán thống kê, lý, hóa, sinh, tin... Chứng chỉ AP do College Board xây dựng, thường được gọi là lớp nâng cao hay chương trình dự bị đại học. Đây là chương trình không bắt buộc, do học sinh (HS) tự chọn ở các trường trung học Mỹ, HS có thể học theo nhu cầu và dự kỳ thi chuẩn hóa vào tháng 5 hằng năm. Đạt điểm cao, hồ sơ của thí sinh sẽ cạnh tranh hơn khi ứng tuyển vào ĐH Mỹ.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1 cho biết trong thực tế việc giao lưu, hợp tác, chuyển giao chuyên môn với các trường nước ngoài, hoặc trường quốc tế tại Việt Nam đã có nhiều trường thực hiện, nhưng chỉ dừng lại ở việc trao đổi chuyên môn, không phải là chương trình liên kết.
Bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), cho biết thực tế tại trường, có nhiều em HS có nhu cầu du học, hoặc thi lấy các chứng chỉ quốc tế, mặc dù vậy các em HS và phụ huynh sẽ ôn tập và thi tại các đơn vị bên ngoài, tùy theo nhu cầu của mỗi em. "Nhà trường, với chức năng là trường chuyên cũng chưa thực hiện các chương trình liên kết nước ngoài" - bà Hiền nói.
Đề án thí điểm chờ ĐHQG TP HCM phê duyệt
Trao đổi với phóng viên, ThS Trần Vũ - Phụ trách truyền thông Trường Phổ thông Năng khiếu - cho biết hiện số HS đăng ký thi chứng chỉ AP vào khoảng 100 HS, chủ yếu là HS của trường, các em HS và phụ huynh tìm hiểu thông tin và đăng ký vì đây là nhu cầu thực sự của HS. Cũng theo ông Vũ, trường đã xây dựng đề án thí điểm phối hợp tổ chức kỳ thi AP và chờ ĐHQG TP HCM phê duyệt. "Chậm nhất trong tháng 3, ĐHQG sẽ có ý kiến về đề án thí điểm này. Trong trường hợp bất khả kháng nhất, nhà trường vẫn sẽ bảo đảm quyền lợi cho những HS đã đăng ký. Cụ thể là trả lại tiền cho các em, hướng dẫn đến đơn vị được tổ chức thi để các em không bị gián đoạn kỳ thi" - vị này khẳng định.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng trong thực tế, số HS có nhu cầu thi các chứng chỉ quốc tế phục vụ nhu cầu du học khá lớn, các trường ĐH có uy tín ở quốc tế cũng không phải bỗng dưng chọn một trường để ủy quyền thi chứng chỉ. Tuy nhiên, các trường phổ thông công lập chưa được trao cơ chế tự liên kết nên số HS này phải thi ở các đơn vị bên ngoài. Trường Phổ thông Năng khiếu là đơn vị trực thuộc ĐHQG TP HCM, việc thực hiện tự chủ sẽ dễ dàng hơn các trường công lập khác.
"Tuy nhiên, từ sự việc trên cũng cần phải nhìn ra vấn đề hiện nay quy định tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các trường chưa được trao hoàn toàn. Những vướng mắc trong các quy định cần tháo gỡ để bảo đảm quyền lợi HS" - vị này cho biết.
ĐHQG TP HCM sẽ lập hội đồng thẩm định
Theo tìm hiểu của phóng viên, ĐHQG TP HCM sẽ lập hội đồng thẩm định việc phối hợp tổ chức thi chứng chỉ AP của Trường Phổ thông Năng khiếu. Trao đổi bên lề Hội thảo quốc gia về chính sách thu hút trí thức khoa học công nghệ trong bối cảnh mới tổ chức vừa qua, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết sẽ lập hội đồng thẩm định việc phối hợp tổ chức thi chứng chỉ AP của Trường Phổ thông Năng khiếu. Theo ông Quân, sau khi có kết quả làm việc từ hội đồng thẩm định, ĐHQG TP HCM mới có quyết định cuối cùng về việc này.