Môi trường bình thường mới: Giải phóng stress, trầm cảm học đường
Học sinh, sinh viên trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến đối diện không ít áp lực. Bên cạnh việc tăng cường phòng dịch Covid-19, công tác hỗ trợ tâm lý khi các em trở lại trường trở nên cấp thiết.
Cho trẻ thời gian thích nghi
Đa số học sinh rất vui khi được trở lại trường, nhưng có không ít em lại chưa sẵn sàng. Một học sinh lớp 11 Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết có chút bỡ ngỡ khi thay đổi môi trường học từ online quay lại offline. Em cho rằng cần có thêm thời gian để thích nghi với sự thay đổi này.
Lo lắng về dịch bệnh, những vấn đề cá nhân, rồi áp lực từ nhà trường, giáo viên, bạn học và cả gia đình… đã đè nặng lên học sinh khiến nhiều em rơi vào tình cảnh stress, trầm cảm là điều dễ nhận thấy. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM) kể về trường hợp một học sinh xin chuyển về trường ông vì gặp áp lực lớn trong học tập ở trường khác. Rất may, với sự hỗ trợ kịp thời của nhà trường và nỗ lực của bản thân, em đã vượt qua khó khăn và gặt hái được kết quả đáng khích lệ.
Theo thầy Phú, trong giai đoạn hiện nay, khi các trường học đón nhận học sinh đi học trực tiếp trở lại, áp lực học tập sẽ tăng vì thời khóa biểu tăng gấp đôi số tiết so với thời gian học online trước đây. Để giảm áp lực cho học sinh, thầy Phú cho biết: Quan trọng nhất là giảm áp lực về điểm số. Giáo viên cần giảng dạy và ra đề thi để học sinh dễ đạt điểm số tốt.
Ngoài ra, các trường nên tạo nhiều sân chơi như câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… để học sinh tham gia, giải tỏa năng lượng, tránh rơi vào tình trạng tiêu cực, ảnh hưởng đến bản thân.
Trong khi đó, thầy Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp, nêu ý kiến: Để giúp học sinh tránh khỏi stress, các trường cần đẩy mạnh việc dạy các môn kỹ năng sống, giúp các em mạnh mẽ hơn, biết cách hợp tác, học nhóm, chia sẻ thông tin, gỡ bỏ nút thắt sau quãng thời gian ở nhà học online.
Cho rằng giáo viên đóng một vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các em, thầy Hải nhấn mạnh: Thầy cô không nên áp đặt, tạo “bức tường lửa” khiến các em lo sợ, mà phải nhẹ nhàng, ân cần trong quá trình truyền tải nội dung các tiết học để trò có thể an tâm và vui vẻ đến trường.
Dạy trò cách yêu bản thân
Khi dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp, công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh đóng vai trò rất quan trọng. Mới đây, trong chương trình tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt nhấn mạnh về sự cần thiết của lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh các em vừa mới trở lại trường học.
Theo đó, các em vừa trải qua thời gian biến chuyển tâm, sinh lý lại vừa phải làm quen với việc chuyển đổi hình thức học. Nhiều em rơi vào khó khăn do điều kiện kinh tế gia đình trở nên eo hẹp, thậm chí còn mất cha, mất mẹ do dịch bệnh. Vì thế, những sang chấn tâm lý là điều không thể tránh khỏi, các em rất cần sự quan tâm từ phía nhà trường và các thầy, cô giáo.
Đồng quan điểm, GS.TS Vũ Gia Hiền, chuyên gia giáo dục nhìn nhận việc học sinh bỡ ngỡ khi quay lại trường học sau một thời gian dài phải học trực tuyến là điều không thể tránh khỏi. Chính vì thế, hơn lúc nào hết, Ban tư vấn học đường tại các trường học trong thời điểm này phải phát huy tối đa nhiệm vụ, chức năng của mình. Bộ phận này cần nắm bắt được những trăn trở, suy nghĩ, mong muốn của người học, từ đó thấu hiểu và đồng cảm với học sinh hơn.
Ngoài ra, GS.TS Vũ Gia Hiền cũng cho rằng: Các bậc phụ huynh nên sát cánh cùng con em của mình, động viên các em cố gắng thích nghi dần dần, tránh tự tạo áp lực cho bản thân.
Nhà trường và gia đình cần phối hợp trong việc dạy học sinh yêu thương chính bản thân mình. Chia sẻ điều này, TS tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, phân tích: Gia đình, thầy cô cần quan tâm đến các em nhiều hơn. Một ngày có thể không biết nhưng vài ba ngày các em có biểu hiện khác thường thì chỉ cần quan sát là nhận ra. Lứa tuổi còn nhỏ, các em dễ bị stress, đôi khi chỉ là yêu đương không thành, với người trưởng thành là chuyện nhỏ nhưng với trẻ là chuyện lớn.
“Đừng thay đổi quá nhiều thứ trong một thời gian ngắn, vì cơ thể, tinh thần mỗi người cũng cần giai đoạn để thích nghi. Mỗi ngày phải có một niềm vui cho mình để cân bằng, thư giãn”, bà Thúy chia sẻ.