• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lưu ý quan trọng trước kỳ thi vào lớp 10

Chỉ còn gần 1 tuần nữa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP HCM chính thức diễn ra. Kỳ thi năm nay có hơn 86.000 thí sinh tham dự. TP HCM sẽ tuyển 72.800 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, sở đã chuẩn bị 150 điểm thi, gồm 139 điểm thi thường và 11 điểm thi chuyên với 3.953 phòng thi; mỗi điểm có thêm 3 phòng thi dự phòng. Sở GD-ĐT TP HCM cũng huy động 11.859 giáo viên để coi thi và 1.800 nhân viên, bảo vệ, công an… làm nhiệm vụ tại các điểm thi.

Gắn với các chủ đề thời sự

Ông Trần Tiến Thành - chuyên viên môn ngữ văn, Sở GD-ĐT TP HCM - cho biết năm nay, cấu trúc đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 không thay đổi so với các năm trước. Cụ thể, cấu trúc đề thi có 3 phần: đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm). Thời gian làm bài môn này là 120 phút.

Để đạt điểm cao môn ngữ văn, theo ông Thành, thí sinh cần lưu ý: Ở câu đọc hiểu văn bản, cần rèn luyện kỹ năng đọc hiểu bằng cách lựa chọn các văn bản thông tin, nghị luận, khoa học… có nội dung phù hợp lứa tuổi, gắn với tình hình thời sự. Bên cạnh đó, thí sinh cần luyện tập các kỹ năng đọc hiểu: nhận biết nội dung đề tài, giải mã các từ khó, hình ảnh ẩn dụ, tìm các vấn đề tiếng Việt có trong văn bản; tập tóm tắt văn bản, nối kết văn bản đang đọc với văn bản khác liên quan, nối kết với thực tế cuộc sống...

Lưu ý quan trọng trước kỳ thi vào lớp 10 - Ảnh 1.

Thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2020. Ảnh: TẤN THẠNH

Câu trả lời cho phần đọc hiểu cần ngắn gọn, rõ ràng, đúng yêu cầu, tránh dài dòng, lan man. Ở câu nghị luận xã hội, phải bảo đảm cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

Ông Thành lưu ý trong quá trình làm bài, thí sinh cần phân tích, xác định đúng vấn đề nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Thí sinh cần rèn luyện các thao tác lập luận, nhất là lập luận giải thích, chứng minh, bình luận. Thí sinh cần tránh các lỗi như thiếu thao tác lập luận; vận dụng các thao tác lập luận chưa hiệu quả.

Ở câu nghị luận văn học, thí sinh cần bảo đảm cấu trúc bài; cần xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, nhất là lập luận phân tích; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Ông Thành cũng chỉ ra hạn chế của nhiều thí sinh ở câu này: Thường diễn xuôi lại tác phẩm; bài làm thiếu cảm xúc do ít đọc, ít suy tư, cũng có thể do học vẹt; phần kết nối tác phẩm với thực tế cuộc sống chưa sát, còn gượng ép.

5 phút đọc đề rất quan trọng

Thầy Phạm Minh Khang - giáo viên môn toán lớp 9, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) - cho rằng với môn toán, thí sinh cần hết sức lưu ý để làm bài thi cẩn thận, vì chỉ cần mất 0,25 điểm cũng sẽ thiệt thòi. Theo thầy Khang, nhiều em trong quá trình ôn tập rất tốt nhưng khi làm bài thi hay lúng túng. Môn nào cũng có 5 phút đọc đề thi. Đây là khoảng thời gian hết sức quan trọng. Trong 5 phút này, các em thấy câu nào dễ thì đánh dấu làm trước để lấy điểm.

Đối với những câu hỏi mang tính phân loại, toán thực tế, nếu mất từ 15-20 phút mà thí sinh vẫn chưa nghĩ ra thì nên chuyển sang câu khác. Ở câu toán cơ bản, với bài số 1 là vẽ đồ thị, các em thường mắc các lỗi như làm sai trên bảng giá trị, chia đơn vị, trục số… - đây là những lỗi rất nhỏ nhưng sai thì kéo theo bài sẽ hỏng và mất điểm. Ở bài 2 là ứng dụng định lý Vi-et, một số em thường làm gộp mà không nêu giải thích. Trong trường hợp này, nếu đúng thì không sao, còn nếu sai thì mất điểm ở ý giải thích.

"Thế nên, các em nên làm từng bước. Học sinh giỏi cũng làm từng bước để rèn luyện tư duy, tính nhẩm. Ở bài hình học, các em cần phân biệt giả thiết và các điều suy ra từ giả thiết. Ở phần này, các em hay sai ý lập luận. Nếu sai thì mất 0,25 điểm trong ý đó, tạo nên chênh lệch rất lớn vì tính cạnh tranh cao" - thầy Khang nhận xét.

Trong khi đó, ở môn tiếng Anh, thầy Trần Nguyễn Hanh, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8), lưu ý: Thí sinh cần phân chia thời gian các ngày trước khi thi một cách hợp lý, ôn các nội dung quan trọng như lý thuyết để làm những câu về phát âm và dấu nhấn. Chú ý từ vựng và từ loại 10 unit của sách giáo khoa tiếng Anh lớp 9; cách xác định đúng từ loại khi làm bài word form; cách làm các dạng đoạn văn điền từ và đoạn văn đọc hiểu; các cấu trúc ngữ pháp có trong chương trình; các dạng đề mẫu giáo viên đã ôn tập và những dạng nâng cao mở rộng kiến thức.

Thầy Hanh nhắc nhở thí sinh cần phân bố thời gian để làm bài và dò bài hợp lý. Các câu trắc nghiệm cần đọc thật kỹ, cố gắng hiểu câu hỏi và các đáp án, nhớ lại kiến thức đã học để chọn đáp án đúng nhất. 

Vật dụng được mang vào điểm thi

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, thí sinh chỉ được mang vào điểm thi: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, các loại máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ. Thí sinh có thể đến muộn trong thời gian cho phép, song phải trước 15 phút sau khi có lệnh tính giờ làm bài.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...