Lựa chọn tổ hợp môn lớp 10 rất quan trọng, học sinh cần lưu ý những gì?
Việc lựa chọn môn học phù hợp với sở trường, năng lực bản thân, đúng định hướng nghề nghiêp trong 3 năm học THPT chưa bao giờ là dễ dàng với nhiều phụ huynh và học sinh. Theo các thầy cô, việc lựa chọn này rất quan trọng vì sẽ gắn bó với học sinh suốt 3 năm bậc THPT.
Học sinh lớp 10 phải học 8 môn học bắt buộc và 4 môn tự chọn
Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) được chia làm 2 giai đoạn bao gồm: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 - 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (bậc THPT). Cụ thể trong đó, học sinh lớp 10 phải học 8 môn bắt buộc bao gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục của địa phương và Lịch sử.
Ngoài các môn bắt buộc, học sinh sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau. Riêng môn Nghệ thuật, hiện nay, phần lớn các trường THPT chưa có giáo viên đối với môn Nghệ thuật.
Từ năm học 2022 - 2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chính thức áp dụng đối với bậc THPT. Về lý thuyết, học sinh được chọn các môn học cho tổ hợp. Nhưng thực tế, các trường THPT xây dựng sẵn các tổ hợp để học sinh lựa chọn. Việc xây dựng tổ hợp này phụ thuộc vào tình hình thực tế của nhà trường cũng như nhân sự hiện có.
Học sinh cần cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn tổ hợp môn lớp 10
ThS. Đặng Thị Huyền Trang - giảng viên Trường chuyên KHXH&NV cho biết, khi bước vào lớp 10, học sinh lựa chọn tổ hợp môn đôi khi bản thân các em học sinh chưa có sự định hướng rõ ràng. Mỗi tổ hợp môn dự kiến sẽ gắn liền với khối thi đại học, chính vì vậy học sinh khi lựa chọn nguyện vọng cần suy nghĩ, tính toán thật kỹ các yếu tố năng lực, sở trường bản thân, định hướng nghề nghiệp sau 3 năm học ở cấp THPT.
"Việc học ở lớp 10 giống như một sự trải nghiệm và xem năng lực tiếp nhận của mình đến đâu nên việc chuyển đổi có ưu điểm, đó là giúp các em học sinh nhận thức khả năng của mình theo môn học đó như thế nào".
Còn thầy giáo Đinh Đức Hiền - giáo viên hệ thống giáo dục Học mãi cho rằng, theo lý thuyết thì học sinh có thể chọn bất kỳ tổ hợp nào nhưng thực tế theo năng lực của các trường hiện nay cho thấy rằng một trường chỉ có khoảng 3-5 tổ hợp bởi các trường sẽ phải căn cứ dựa trên năng lực của nhà trường. Do đó chắc chắn sẽ có sự vênh nhau giữa nhu cầu học sinh và khả năng đáp ứng của nhà trường".
Dành lời khuyên cho các em học sinh chuẩn bị bước vào cấp học THPT trong thời điểm này, cô Nguyễn Ngọc Lan - giáo viên lớp 10 của một trường THPT trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng, việc lựa chọn tổ hợp rất quan trọng vì sẽ gắn bó với học sinh suốt 3 năm bậc THPT. Nếu lựa chọn những môn học phù hợp sẽ giúp cho học sinh phát huy được thế mạnh của mình. Ngược lại, nếu đã lựa chọn nhưng sau này khả năng không theo được hoặc vì một lý do nào khác mà bắt buộc phải chuyển tổ hợp thì sẽ rất phức tạp. Hơn nữa, không phải học sinh, phụ huynh muốn chuyển đổi tổ hợp lúc nào thì nhà trường cũng có thể đáp ứng.
Cô Lan cho biết, việc các em học sinh lựa chọn tổ hợp môn học là chọn cho bản thân chứ không phải chọn theo số đông hay trào lưu. Do vậy, các em cần tìm hiểu kỹ để có lựa chọn cho bước đường tương lai của mình từ đó có định hướng nghề nghiệp hiệu quả nhất sau khi ra trường.
Hiện có một số phụ huynh và học sinh băn khoăn về việc nếu sau một thời gian học tổ hợp môn học đã lựa chọn ngay từ đầu năm nếu thấy không phù hợp, học sinh có thể xin đổi môn học hay không, về vấn đề này, cô Ngọc Lan cho biết, theo Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT hướng dẫn: "Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng muốn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng sẽ xem xét quyết định và báo cáo Sở GD&ĐT".
Tuy nhiên, theo cô Lan, mặc dù hướng dẫn là vậy nhưng chúng tôi vẫn khuyên học sinh cần cân nhắc thật kỹ không nên chuyển đổi môn học trong suốt 3 năm học THPT nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho học sinh.