Loạt quốc gia bắt buộc môn tiếng Anh trong kỳ thi đại học
Theo truyền thống, kỳ thi tốt nghiệp trung học hay tuyển sinh đại học tại nhiều quốc gia, đặc biệt là khối Bắc Âu, thường bắt buộc Ngoại ngữ với sự lựa chọn phổ biến nhất là tiếng Anh, bên cạnh môn Toán và Ngữ văn.
Trong thời đại toàn cầu hóa và tính kết nối ngày càng tăng, vai trò của tiếng Anh như một ngôn ngữ toàn cầu ngày càng được khẳng định.
Đưa tiếng Anh trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi quốc gia phản ánh sự thừa nhận Ngoại ngữ này là một yếu tố quan trọng để định hướng trong bối cảnh toàn cầu, thúc đẩy sự hiểu biết đa văn hóa và chuẩn bị cho học sinh hành trang trong một thế giới kết nối và hội nhập.
Thụy Điển
Tiếng Anh là môn học bắt buộc trong chương trình giảng dạy ở các trường trung học Thụy Điển.
Bài kiểm tra năng lực học thuật SweSAT hay Högskoleprovet là một bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa được sử dụng như một trong những phương tiện để được nhận vào các cơ sở giáo dục đại học ở Thụy Điển. Tất cả các phần đều được thực hiện bằng tiếng Thụy Điển và một bài kiểm tra đọc hiểu tiếng Anh.
Việc đưa tiếng Anh vào kỳ thi đại học ở Thụy Điển phản ánh cách tiếp cận chiến lược nhằm trang bị cho người học các kỹ năng ngôn ngữ vượt ra ngoài biên giới quốc gia, phù hợp với cam kết của Thụy Điển trong việc bồi dưỡng công dân toàn cầu.
Thụy Điển xếp thứ 6 trong bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ lớn nhất thế giới EF English Proficiency Index (EPI) năm 2023.
Đan Mạch
Tiếng Anh đã được đưa vào chương trình giảng dạy trung học ở Đan Mạch. Trong hệ thống giáo dục Đan Mạch, tiếng Anh thường được dạy ở giai đoạn đầu ở trường tiểu học và tiếp tục là môn học chính trong suốt bậc trung học.
Việc đưa các kỳ thi tiếng Anh vào yêu cầu tốt nghiệp trung học phù hợp với cam kết của Đan Mạch trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng giao tiếp, hợp tác và theo đuổi học thuật quốc tế.
Không chỉ ở cấp THPT và đại học, trước khi kết thúc "Folkeskole" (hệ thống giáo dục tiểu học và THCS bắt buộc từ mầm non đến lớp 9 tại Đan Mạch), tất cả học sinh đều phải dự thi tổng cộng 7 môn, trong đó, 5 môn bắt buộc đối với tất cả học sinh: kiểm tra viết và vấn đáp môn tiếng Đan Mạch và Toán, kiểm tra vấn đáp bằng tiếng Anh và kiểm tra vấn đáp chung về Vật lý/Hóa học, Sinh học và Địa lý.
Ngoài ra, mỗi học sinh còn phải tham gia 2 bài kiểm tra được rút thăm ngẫu nhiên: một bài thi thuộc nhóm nhân văn, gồm một bài thi viết tiếng Anh và một bài thi viết từ nhóm khoa học như Vật lý, Sinh học, theo thông trên Website Bộ Trẻ em và Giáo dục Đan Mạch.
Đan Mạch xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ EF English Proficiency Index (EPI) năm 2023.
Phần Lan
Quy trình tuyển sinh vào các trường đại học Phần Lan nhìn chung được phân cấp, trong đó mỗi trường đại học đặt ra các tiêu chí và quy trình tuyển sinh riêng.
Mặc dù tiếng Anh được dạy như một môn học ở các trường trung học Phần Lan nhưng các yêu cầu cụ thể về trình độ tiếng Anh có thể khác nhau tùy theo trường đại học và chương trình học.
Thông thường, nếu chương trình được dạy bằng tiếng Anh hoặc nếu trình độ tiếng Anh được coi là cần thiết cho quá trình học, các trường đại học yêu cầu ứng viên chứng minh kỹ năng Ngoại ngữ của mình. Điều này có thể được thực hiện thông qua các bài kiểm tra trình độ tiếng Anh tiêu chuẩn như Hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế (IELTS) hoặc Bài kiểm tra tiếng Anh như ngoại ngữ (TOEFL).
Phần Lan xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ EF English Proficiency Index (EPI) năm 2023.
Hà Lan
Hà Lan thường đưa tiếng Anh làm môn học bắt buộc trong chương trình giảng dạy trung học. Học sinh trung học phổ thông thường tham gia một loạt bài kiểm tra cuối cấp được gọi là "eindexamen".
Cấu trúc và nội dung của các kỳ thi có thể khác nhau tùy thuộc vào loại hình giáo dục trung học, chẳng hạn như giáo dục dự bị đại học (VWO), giáo dục THPT (HAVO) hoặc giáo dục trung học dự bị nghề (VMBO).
Tiếng Anh là một trong những môn học bắt buộc của kỳ thi này. Kỳ thi tiếng Anh đánh giá các kỹ năng ngôn ngữ khác nhau, bao gồm đọc, viết, nghe và nói.
Hà Lan xếp thứ 1 trong bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ EF English Proficiency Index (EPI) năm 2023.
Nhật Bản
Tiếng Anh được coi là môn học quan trọng trong hệ thống giáo dục Nhật Bản. Học sinh trung học nước này được yêu cầu học tiếng Anh trong suốt chương trình giáo dục trung học và trình độ tiếng Anh là yếu tố quan trọng đối với những học sinh dự định theo đuổi giáo dục đại học.
Các kỳ thi tuyển sinh đại học, bao gồm Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (Senta Shiken), thường bao gồm môn tiếng Anh.
Môn thi đánh giá trình độ tiếng Anh của học sinh và bao gồm các kỹ năng như đọc hiểu, nghe hiểu và diễn đạt bằng văn bản.
Nhật Bản xếp thứ 87 trong bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ EF English Proficiency Index (EPI) năm 2023.
Trung Quốc
Tiếng Anh là môn học bắt buộc tại các trường trung học ở Trung Quốc. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc này, chương trình giảng dạy Ngoại ngữ này được thiết kế phù hợp với kỳ thi Cao khảo (Kỳ thi tuyển sinh đại học).
Theo quy định hiện hành, tất cả học sinh phải làm bài kiểm tra tiếng Trung, Toán và bài thi Ngoại ngữ, trong đó, hầu hết học sinh chọn tiếng Anh.
Trình độ tiếng Anh thường là một yếu tố quan trọng trong kỳ thi Cao khảo và học sinh được đánh giá dựa trên các kỹ năng nghe, đọc, viết và chuyển ngữ.
Trung Quốc xếp thứ 82 trong bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ EF English Proficiency Index (EPI) năm 2023. Khu vực Hồng Kông (Trung Quốc) được xếp hạng riêng, ở vị trí 29.
Thổ Nhĩ Kỳ
Yükseköğretim Kurumları Sınavı (YKS) là kỳ thi tuyển sinh đại học tiêu chuẩn hóa ở Thổ Nhĩ Kỳ. Kỳ thi này đánh giá khả năng được nhận vào các cơ sở giáo dục đại học của học sinh.
YKS bao gồm 3 phần: TYT (Temel Yeterlilik Testi - Bài kiểm tra trình độ cơ bản) đánh giá tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, khoa học xã hội, Toán học và khoa học tự nhiên; AYT (Alan Yeterlilik Testleri - Bài kiểm tra trình độ lĩnh vực) đánh giá kiến thức chuyên ngành trong các môn học như Văn học, Lịch sử, Khoa học và YDT (Yabancı Dil Testi - Kiểm tra Ngoại ngữ) là bài kiểm tra khả năng Ngoại ngữ, thường bằng tiếng Anh.
Thổ Nhĩ Kỳ xếp thứ 66 trong bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ EF English Proficiency Index (EPI) năm 2023.