• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh nghiệm triển khai giáo dục STEM từ trường chuyên

Giáo dục STEM thay đổi cách dạy học từ “Truyền thụ kiến thức” sang “Phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh”. Quá trình triển khai nhiều trường THPT chuyên đã tìm được “lối đi” riêng để tiến tới thành công.

Thực tế từ trường chuyên

Tại trường THPT chuyên Biên Hòa (Hà Nam), cô Vũ Thị Lan Hương, Phó hiệu trưởng cho biết chương trình giáo dục STEM được nhà trường quan tâm và triển khai thí điểm ở bộ môn Vật lý- Công nghệ từ năm học 2017-2028 với việc tổ bộ môn xây dựng 5 chủ đề dạy học STEM đưa vào triển khai thí điểm tại các lớp 11 chuyên Lý, Hóa, Sinh. Năm học 2020-2021 trường chính thức triển khai trên nhiều phương diện.

Trường yêu cầu các tổ, nhóm chuyên môn rà soát phân phối chương trình, chuẩn kiến thức kĩ năng từng khối lớp, liệt kê tất cả các chủ đề giáo dục STEM có thể triển khai được trong kế hoạch giáo dục. Đồng thời tổ nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch triển khai STEM trong môn học phù hợp với điều kiện trường và địa phương, phân công nhiệm vụ cho giáo viên phù hợp năng lực, sở trường, đảm bảo đạt hiệu quả cao.

Các tổ chuyên môn và giáo viên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Công nghệ được giao quyền chủ động xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp, liên minh, xây dựng kế hoạch dạy học và triển khai dạy học các chủ đề STEM gắn với thực tiễn và gắn với sản xuất, kinh doanh tại địa phương…

Trường cũng giao chỉ tiêu mỗi giáo viên tổ chức dạy học ít nhất 1 bài học/chủ đề STEM trong một học kỳ; công khai đăng ký thực hiện các giờ dạy STEM để đồng nghiệp tham dự góp ý kiến, kịp thời rút kinh nghiệm điều chỉnh kế hoạch đề ra.

Hơn thế, trường đã trang bị phòng học STEM với thiết bị bổ sung hàng năm hiện đại. Tuy nhiên học sinh vẫn sử dụng thiết bị thí nghiệm đã có để tiến hành thí nghiệm, tìm tòi nghiên cứu, khám phá kiến thức khoa học bài học, rèn luyện kĩ năng và có thể cải tiến, tự làm thiết bị dạy học…

Phát triển năng lực giáo viên hướng dẫn và nghiên cứu khoa học của học sinh khi triển khai STEM

TS Phạm Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) cũng khẳng định: 7 năm qua, trường thực hiện hiệu quả các kế hoạch của Sở GD&ĐT đồng thời tích cực đổi mới trong công tác quản lý, quản trị, tích cực tổ chức dạy học theo hướng phân hóa; đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ hoạt động kiểm tra đánh giá, huy động tối đa các nguồn lực nhằm khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức…

Theo đó, kết quả thi THPT quốc gia, xét tuyển Đại học không ngừng được nâng cao, có nhiều học sinh thủ khoa, á khoa, học sinh đạt điểm cao vào các trường Đại học uy tín; vượt kế hoạch về kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, học sinh giỏi tỉnh, tăng cường giáo dục kĩ năng sống cho học sinh qua hoạt động ngoại khóa…

Trong các kết quả giáo dục của nhà trường, hoạt động sáng tạo khoa học kĩ thuật (KHKT), giáo dục STEM có nhiều thành tích và dấu ấn quan trọng. Bằng các giải pháp quyết liệt, trọng tâm, hoạt động khoa học kĩ thuật đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Nhiều đề tài/dự án của học sinh đạt giải có ý nghĩa khoa học, thực tiễn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục Phú Thọ.

Kinh nghiệm thành công

TS Phạm Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) đã chỉ ra 4 giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động khoa học kĩ thuật, giáo dục STEM trong trường chuyên.

Đó là xây dựng định hướng phát triển hoạt động khoa học kĩ thuật, chính sách khuyến khích học sinh tham gia hoạt động KHKT luôn bám sát các văn bản, kế hoạch, hướng dẫn của Bộ, Sở cho giai đoạn tới để định hướng, đề xuất, triển khai các đề tài/dự án KHKT của học sinh phù hợp.

Thực hiện cơ chế “đặt hàng” với các tổ chuyên môn về chỉ tiêu tham gia đề tài/dự án, giáo viên hướng dẫn và tuyển chọn đối với các đề tài/dự án do học sinh đăng kí. Tăng tỉ lệ đề tài/dự án có tính ứng dụng vào thực tiễn và gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiến tới phổ rộng các lĩnh vực nghiên cứu. Có chính sách khen thưởng, hỗ trợ giáo viên hướng dẫn và học sinh nhằm nâng cao số lượng, chất lượng về các đề tài/dự án tham gia cuộc thi KHKT cấp tỉnh, quốc gia.

Cùng đó phát triển năng lực giáo viên hướng dẫn và nghiên cứu khoa học của học sinh qua thành lập các nhóm nghiên cứu chuyên sâu và nghiên cứu mạnh. Khuyến khích các nhà khoa học có trình độ, uy tín trong và ngoài nhà trường tham gia vào các nhóm. Hỗ trợ hoạt động các nhóm nghiên cứu để tạo điều kiện cho các giảng viên trình độ cao trong nhóm đạt học hàm PGS, giúp các giảng viên trẻ tăng cường kĩ năng nghiên cứu khoa học (NCKH).

Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) tăng cường khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu khoa học. 

Phát triển kĩ năng NCKH và công bố khoa học cho giáo viên từ đẩy mạnh các hoạt động sinh hoạt chuyên môn cấp tổ. Tăng cường tổ chức hội thảo khoa học cấp Trường. Tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các Hội nghị/Hội thảo khoa trong nước và quốc tế. Thông qua các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, hội nghị hội thảo, giảng viên được trau dồi kiến thức chuyên môn, có khả năng làm việc nhóm để hỗ trợ bồi dưỡng lẫn nhau, hình thành các ý tưởng NCKH.

TS Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh vấn đề tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ NCKH, giáo dục STEM và tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về nghiên cứu KHKT, giáo dục STEM… cũng là giải pháp không thể thiếu để nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong trường chuyên Hùng Vương.

Từ quá trình triển khai thực tế giáo dục STEM tại Trường THPT chuyên Biên Hòa (Hà Nam), cô Vũ Thị Lan Hương, Phó hiệu trưởng cũng chia sẻ 4 bài học kinh nghiệm.

Theo cô Hương đó là lãnh đạo, giáo viên cốt cán của trường phải là người luôn tâm huyết, tiên pkhong cả về nhận thức và hành động trong công cuộc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học.

Giáo dục STEM là phương pháp giáo dục liên ngành nhằm kết nối các bộ môn độc lập giúp trang bị cho người học những kiến thức và kĩ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Giúp học sinh giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống.

Mặt khác, rào cản lớn nhất cản trở triển khai STEM là hầu hết giáo viên còn thiếu kiến thức về lý thuyết dạy học STEM. Vì vậy, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tự học tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ trong đội ngũ cán bộ và giáo viên. Cần coi đó là điều kiện tiên quyết dẫn đến sự thành công của đổi mới dạy học và phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện đại.

Song song vấn đề tự học tự bồi dưỡng lãnh đạo nhà trường cũng cần chủ động mời các chuyên gia về giáo dục STEM tập huấn một cách bài bản, thiết thực cho đội ngũ giúp hiểu sâu hơn về phương pháp, ý nghĩa, lợi ích dạy học vận dụng theo phương pháp STEM.

Cô Hương còn cho rằng về lý thuyết và thực tiễn, dạy học STEM giáo viên có thể sử dụng các trang thiết bị thí nghiệm hiện có trong nhà trường phổ thông để học sinh tiến hành các thí nghiệm, tìm tòi nghiên cứu, khám phá kiến thức khoa học bài học, rèn luyện kĩ năng và cao hơn thế có thể cải tiến, tự làm thiết bị dạy học. Song việc rà soát trang thiết bị hiện có, mua sắm bổ sung thiết bị hiện đại phục vụ STEM cần được quan tâm để hướng tới hoàn thiện, chất lượng hơn.

“Dạy học STEM là mô hình mới mẻ đối với đa số giáo viên, học sinh do đó đòi hỏi phải thay đổi cách dạy – cách học; chuyển đổi mạnh mẽ từ phương pháp dạy học truyền thống truyền thụ một chiều sang dạy học cho học sinh cách học, rèn luyện phẩm chất và năng lực.

Vì vậy, các nhà trường cần phải làm tốt công tác truyền thông cho tất cả giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục cả về khâu tuyên truyền giá trị dạy học STEM lẫn công tác huy động tài lực hợp pháp cho hoạt động này...”, cô Vũ Thị Lan Hương, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Biên Hòa (Hà Nam)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...