Học sinh đi xe máy: Tiềm ẩn rủi ro
Nhiều phụ huynh sẵn sàng mua xe máy đắt tiền trên 50 phân khối để con em mình bằng bạn bè hoặc đơn giản là để trẻ tự đi đến trường cho tiện!
11 giờ trưa 27-9, giữa cảnh xe máy, ôtô chen chúc tại khu vực ngã sáu Nguyễn Chí Thanh (quận 5, TP HCM), dễ dàng bắt gặp hình ảnh học sinh đi xe máy trên 50 cc (phân khối). Số lượng học sinh ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm, phụ huynh đón con tan trường "kẹp ba, kẹp bốn"… đếm không xuể. Khu vực này có nhiều trường THPT như: THPT Năng khiếu, THPT Trần Khai Nguyên, THPT Quang Trung Nguyễn Huệ, THPT An Đông…
Đủ kiểu vi phạm
Ngay sau tiếng trống tan trường, học sinh từ các lớp ùa ra cổng như ong vỡ tổ. Phụ huynh đón con người đi xe máy, người đi ôtô chen nhau chỗ đậu xe khiến giao thông ở khu vực này trở nên lộn xộn. Nhiều con đường xung quanh dù rộng rãi, thông thoáng cũng ùn ứ cục bộ.
Trong khi đó, không ít phụ huynh không quan tâm đến việc cho con đội mũ bảo hiểm. Có người còn chở 2-3 học sinh trên xe máy. Một số không nhỏ học sinh đi xe đạp điện cũng không đội mũ bảo hiểm, vừa đi vừa đùa giỡn giữa dòng xe cộ đông như mắc cửi.
Thậm chí, khi ghi nhận trên đường Nguyễn Tri Phương (hướng về quận 7, quận 8, TP HCM), chúng tôi còn chứng kiến không ít trường hợp học sinh điều khiển xe trên 50 cc về nhà. Chỉ trong 30 phút đứng chốt trên đường Nguyễn Tri Phương, Đội CSGT Chợ Lớn (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP HCM) đã phát hiện không ít trường hợp học sinh điều khiển xe máy không có bằng lái, phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con. Đáng nói là có phụ huynh lại nổi cáu khi con bị CSGT xử phạt vì chưa đủ tuổi lái xe từ 50 cc trở lên.
Theo một cán bộ CSGT, phụ huynh giao xe máy cho con dù chưa đủ tuổi lái xe là hành vi dung túng trẻ vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều phụ huynh sẵn sàng mua cho con xe máy đắt tiền (trên 50 cc) để bằng bạn bằng bè hoặc đơn giản là để trẻ tự đi đến trường... cho tiện.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, cho biết lỗi vi phạm mà học sinh thường bị CSGT xử phạt là: Điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm; điều khiển phương tiện bằng một tay; điều khiển xe chạy ngược chiều; chở quá số người quy định; điều khiển xe máy đến trường khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe…
Một học sinh bị CSGT phạt vì lỗi không có giấy phép lái xe
Đừng quá chiều con!
Cũng theo ghi nhận, hơn 1 giờ sau khi tan trường, Đội CSGT Chợ Lớn tiếp tục phát hiện, xử lý nhiều trường hợp học sinh chưa đủ tuổi lái xe trên 50 cc tại ngã tư Nguyễn Tri Phương - An Dương Vương (quận 5, TP HCM). Các trường hợp vi phạm này bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Đây cũng là mức phạt đối với trường hợp người đi môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai.
Trò chuyện với chúng tôi, H.C.V (học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên) cho biết bạn bè của em có xu hướng đi xe máy phân khối lớn đến trường. Để không bị thầy cô phát hiện, các em gửi xe bên ngoài trường. "Bản thân em không ủng hộ việc này vì các bạn chưa hiểu biết nhiều về Luật Giao thông đường bộ, chưa chạy xe máy thông thạo nên rất nguy hiểm" - V. bày tỏ.
Với chị Nguyễn Thị Hồng Đào (ngụ quận 8, TP HCM), mức phạt nêu trên còn quá nhẹ, chưa đủ răn đe. Hằng ngày đi lại trên đường, chị thường bắt gặp nhiều học sinh phóng xe rất nhanh, dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, đùa giỡn với nhau...
"Nhà trường cần thường xuyên rà soát, kiểm tra tình hình học sinh sử dụng xe máy đi học để kịp thời phát hiện những em vi phạm luật giao thông, có hình thức kỷ luật phù hợp (như phạt lao động, hạ hạnh kiểm…) và gửi thông báo cho phụ huynh để họ có trách nhiệm nhắc nhở con em" - chị Đào đề xuất.
Lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt cho rằng để hạn chế tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, bên cạnh nỗ lực tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành, của nhà trường thì vai trò của gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng. Phụ huynh cần cân nhắc khi giao xe hoặc mua xe cho con, nhất là khi trẻ chưa đủ tuổi được phép điều khiển phương tiện giao thông. Bởi lẽ, khả năng xử lý tình huống giao thông trên đường của các em còn rất hạn chế. Nếu phụ huynh nghiêm khắc với các em thì sẽ giảm đáng kể những vụ tai nạn đáng tiếc.
Ký cam kết
Thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở TP HCM, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt tăng cường tổ chức các buổi tuyên truyền về an toàn giao thông cho giáo viên, phụ huynh và học sinh trên địa bàn, từ cấp tiểu học đến đại học và cả các khu công nghiệp.
Trung tá Nguyễn Hoàng Tâm, Đội trưởng Đội CSGT Nam Sài Gòn (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP HCM) cho biết sau hoạt động tuyên truyền, các trường ký cam kết tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh và học sinh chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; bố trí cán bộ, nhân viên của trường phối hợp với Đội CSGT Nam Sài Gòn, công an phường, bảo vệ dân phố bảo đảm trật tự an toàn giao thông trước cổng trường.
Ngoài việc tuyên truyền, tổ chức cho nhà trường, học sinh ký cam kết chấp hành các quy định về an toàn giao thông, Đội CSGT Bình Triệu (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP HCM) còn ra mắt đội tình nguyện hướng dẫn giao thông tại các cổng trường để kịp thời ứng cứu tình huống phức tạp, giảm thiểu ùn tắc giao thông; phổ biến, giáo dục pháp luật...