Háo hức ngày mở cửa trường học
Bắt đầu từ ngày 7/2, học sinh ở nhiều tỉnh, thành chính thức trở lại với bục giảng và phấn trắng, bảng đen để học trực tiếp. Đây là điều mà nhiều tháng qua giáo viên, HS, phụ huynh và xã hội quan tâm, mong đợi.
Có thể nói, dạy - học trực tiếp là điều mà giáo viên, học sinh mong đợi, háo hức và trở thành vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Vì thế, việc các địa phương mở cửa trường học không đơn thuần là thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim. Học sinh là trung tâm của giáo dục. Do đó, những gì tốt đẹp nhất cũng hướng đến học sinh.
Còn nhớ, tổ chức Y tế Thế giới, UNESCO và UNICEF đưa ra 8 khuyến nghị về việc đưa học sinh trở lại trường, trong đó có khuyến nghị số 1 là: Trường học phải là một trong những cơ sở cuối cùng đóng cửa và một trong cơ sở đầu tiên mở cửa. Vì vậy, thời điểm này mở cửa trường học là cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt các địa phương đón học sinh trở lại học trực tiếp. Thậm chí, ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, Chính phủ cũng họp bàn về vấn đề này để đưa ra phương án tối ưu nhất.
Phía Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả cấp học từ 7/2-14/2, bảo đảm để học sinh đi học an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý và giúp phụ huynh học sinh bớt lo toan.
Thống kê cho thấy, 63 tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức dạy – học trực tiếp từ 7/2. Đáng chú ý, nhiều tỉnh đã mở cửa trường học đón học sinh từ bậc mầm non đến THPT trở lại với lớp học truyền thống thân thuộc.
Qua trao đổi, hầu hết các địa phương đều có kịch bản ứng phó, nhằm bảo đảm an toàn cho thầy – trò khi dạy – học trực tiếp. Điều đó cho thấy, sự thống nhất cao trong toàn hệ thống, sự chỉ đạo quyết liệt của các địa phương khi quyết tâm mở cửa trường học.
Ai cũng hiểu, ở thời điểm hiện tại, thống nhất mở cửa trường học là yêu cầu cấp thiết khi mà nhiều địa phương phải dạy học trực tuyến liên tục từ đầu năm học đến trước khi nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Vì thế, mở cửa trường học không những giải quyết nhu cầu thực tiễn, mà còn bảo đảm quyền được đến trường của học sinh, đồng thời tránh được những hệ luỵ từ việc các em không được đến trường trong suốt thời gian dài.
Chuẩn bị chu đáo cho việc mở cửa trường học, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương khẩn trương ban hành quy định tiêu chuẩn, tiêu chí, công bố lộ trình với thời gian cụ thể về việc mở cửa trường học để đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp gắn với an toàn phòng, chống dịch.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên ngay sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc. Cùng với đó, chuẩn bị các phương án, kịch bản phù hợp xử lý tình huống xảy ra dịch bệnh trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường học.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, làm thế nào để học sinh bắt nhịp ngay với học tập, nhất là khi các em đã dần quen với hình thức học trực tuyến nay chuyển sang lớp học truyền thống. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào phụ huynh và giáo viên. Ngoài việc ổn định tâm lý, cần phát triển cho các em kỹ năng tự vệ, tự chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của bản thân.
Nói như một chuyên gia, để học sinh trở lại trường an toàn, cần nhất ở ba công đoạn: Ở nhà, trên đường đi và tại trường học. Trong đó, công đoạn ở nhà quan trọng nhất, bởi mỗi gia đình có một lối sống khác nhau, cách thức phòng chống dịch khác nhau. Do vậy, trước hết mỗi gia đình phải thực sự an toàn, sau đó mới đến các phương án chống dịch ở nhà trường khi các em đi học trực tiếp.