• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo viên ở Thanh Hóa vẫn "ngóng" tiền trợ cấp dạy trẻ khuyết tật

Dù Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã có hướng dẫn cụ thể, yêu cầu các địa phương thực hiện chi trả tiền trợ cấp, bắt đầu từ năm học 2021-2022 cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật, nhưng nhiều tháng trôi qua, giáo viên ở nhiều nơi vẫn ngóng chờ chế độ

Thông tin từ Sở Tài chính và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Thanh Hóa chiều ngày 7-11 cho biết các đơn vị này chưa nhận được báo cáo của bất cứ huyện, thị xã, TP trên địa bàn về kết quả thực hiện chi trả tiền chế độ trợ cấp giáo viên dạy trẻ khuyết tật trong các lớp hòa nhập cộng đồng theo Nghị định 28 và Nghị định 113 của Chính phủ.

Giáo viên ở Thanh Hóa vẫn ngóng tiền trợ cấp dạy trẻ khuyết tật - Ảnh 1.

Hàng ngàn giáo viên dạy trẻ khuyết tật từ cấp mầm non tới THCS tại Thanh Hóa vẫn ngóng chờ chế độ

Đây là chế độ mà hàng ngàn giáo viên từ cấp mầm non tới THCS trên địa bàn 27 huyện, thị xã, TP của tỉnh Thanh Hóa bị "bỏ quên" nhiều năm qua. Sau khi có phản ánh của Báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo kịp thời, chế độ này mới được quan tâm chi trả.

Nhưng đáng nói, kể từ tháng 3-2022, dù Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đã có công văn hướng dẫn rất cụ thể, yêu cầu các huyện, thị xã, TP trên địa bàn lập dự toán kinh phí kèm theo các hồ sơ đầy đủ theo quy định, báo cáo Phòng GD-ĐT, sau đó Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định, tham mưu cho UBND huyện phê duyệt danh sách đối tượng được hưởng và cấp bổ sung kinh phí cho các đơn vị chi trả và thanh quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.

Công văn cũng nêu rõ kinh phí thực hiện trong năm học 2021-2022, Chủ tịch UBND các huyện, thị, TP chủ động sử dụng nguồn kinh phí đã được giao trong dự toán, nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả, thanh quyết toán.

Đồng thời, gửi danh sách tổng hợp về Sở Tài chính, Sở GD-ĐT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo theo quy định.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ có Phòng GD-ĐT thị xã Nghi Sơn thông tin tới phóng viên và cung cấp hồ sơ thực hiện chi trả tiền trợ cấp cho giáo viên, còn hầu hết các địa phương còn lại, giáo viên vẫn "dài cổ" chờ chế độ.

Ông Tạ Hồng Lựu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, thừa nhận đến thời điểm này, Sở chưa nhận được báo cáo chính thức nào từ các địa phương về kết quả thực hiện chế độ này trong năm học 2021-2022. Đây cũng là thông tin mà Sở Tài chính thông tin tới phóng viên.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Nghị định 28/2012 và Nghị định 113/2015 đã hướng dẫn, quy định rất rõ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tham gia dạy trẻ khuyết tật. Thế nhưng, kể từ ngày có quy định tới nay, giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy trẻ khuyết tật từ bậc mầm non tới THCS tại tỉnh Thanh Hóa chưa nhận được đồng phụ cấp nào.

Đáng nói, dù triển khai thực hiện cùng một hướng dẫn của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa nhưng giáo viên dạy học sinh khuyết tật cấp THPT tại tỉnh này được chi trả chế độ đầy đủ, trong khi giáo viên các cấp còn lại (từ mầm non đến THCS) thì không được.

Ngay sau khi Báo Người Lao Động có thông tin đăng tải, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã có ý kiến chỉ đạo giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT và các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nội dung thông tin phản ánh của Báo Người Lao Động; kịp thời có biện pháp nhằm thực hiện việc chi trả tiền trợ cấp cho giáo viên trực tiếp tham gia đứng lớp dạy trẻ khuyết tật trong các lớp hòa nhập cộng đồng theo quy định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...