Giáo viên ngoài công lập khó đền bù chi phí khi đào tạo nâng chuẩn
Theo đánh giá của UBND TP HCM, việc đền bù chi phí đào tạo đối với giáo viên ngoài công lập được cử đi đào tạo nâng chuẩn không khả thi do số giáo viên này khó đảm bảo gắn bó với đơn vị giảng dạy
Theo đánh giá của UBND TP, việc triển khai kế hoạch nâng chuẩn trình độ đào tạo của GV đáp ứng kịp thời việc chuẩn hóa đội ngũ GV và cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS tại TP HCM theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, gắn liền với việc thực hiện chế độ, chính sách với GV theo quy định hiện hành.
Mặc dù vậy, quá trình triển khai cũng gặp những tồn tại, khó khăn, bởi lẽ đối với các GV (nhất là bậc học mầm non) công tác tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập rất khó đảm bảo gắn bó, tiếp tục giảng dạy tại đơn vị sau khi được hỗ trợ học phí nâng trình độ chuẩn. Do vậy, việc đền bù chi phí đào tạo đối với GV ngoài công lập được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn thực hiện theo quy định của Nghị định 71/2020 là không khả thi.
Lý do là các GV công tác tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập không phải là viên chức nên khó có thể thực hiện theo quy định, đó là chi phí đền bù, cách tính chi phí đền bù, trình tự, thủ tục đền bù chi phí đào tạo áp dụng thực hiện áp dụng theo các quy định hiện hành của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Vì vậy, UBND TP đã có đề xuất Bộ GD-ĐT trình Chính phủ bổ sung vào Nghị định 71 nội dung: Chi phí đền bù, cách tính chi phí đền bù, trình tự, thủ tục chi phí đền bù chi phí đào tạo áp dụng cho GV công tác tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Theo báo cáo của UBND TP, số GV dự kiến đào tạo nâng chuẩn theo kế hoạch năm 2023 là 1.966 GV, trong đó số GV được cử đi và hỗ trợ đóng học phí là 641 GV, số GV tự túc đóng học phí là 1.118 GV; tỉ lệ GV tham gia đào tạo đạt 89,47%.
Từ năm học 2024-2025 đến năm học 2026-2027, TP HCM dự kiến đào tạo nâng chuẩn 895 GV, trong đó 551 GV mầm non, 213 GV tiểu học và 131 GV THCS.