• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo dục Nga chịu ảnh hưởng nặng nề

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã vấp phải sự phản đối mạnh từ cộng đồng quốc tế. Châu Âu và Mỹ đã áp lệnh trừng phạt nặng nề lên hầu hết các lĩnh vực của Nga.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục và hợp tác quốc tế của Nga trên thế giới.

Nền giáo dục bị cô lập

Một trong những phản ứng đáng chú ý nhất đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) khi tuyên bố cắt đứt quan hệ với Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo (Skoltech). MIT đã hỗ trợ thành lập Skoltech vào năm 2011. Đến năm 2016, hai trường xây dựng Chương trình MIT Skoltech, chương trình tuyển dụng sinh viên, giảng viên người Nga hỗ trợ nghiên cứu của MIT.

Theo tờ báo Nga Izvestia, tình hình nghiên cứu khoa học tại Nga hiện “rất phức tạp” do các hội nghị khoa học quốc tế tổ chức tại Nga đều bị huỷ bỏ. Ví dụ như Đại học quốc tế của các nhà Nhân học và Dân tộc học, dự kiến diễn ra vào ngày 25 - 31/5 tại St. Petersburg bị dừng tổ chức. Các nhà khoa học Nga không thể tham gia vào các hội nghị khoa học quốc tế trong tương lai gần.

Ngoài ra, Hội đồng Trao đổi Giáo dục quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ du học có trụ sở tại Mỹ, thông báo tạm dừng các chương trình học mùa xuân năm 2022 ở St. Petersburg và chuyển sinh viên đến các nước Đông Âu.

Các trường đại học hàng đầu Mỹ như Harvard, Rochmond… cũng ngừng tổ chức chương trình liên kết học tập với các đối tác Nga. Đối với sinh viên Mỹ hiện nay, việc du học Nga giống như “lách qua cánh cửa hẹp”.

Tương tự Mỹ, các trường đại học ở châu Âu cũng đơn phương tạm hoãn hoặc huỷ bỏ chương trình trao đổi với các trường đại học Nga, đồng thời khuyên sinh viên nên rời khỏi đất nước này càng sớm càng tốt.

12 quốc gia kêu gọi Nga rời khỏi Khu vực Giáo dục Đại học châu Âu (EHEA), liên minh hệ thống đại học giữa các quốc gia châu Âu. 12 nước này gồm Cộng hoà Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Iceland, Latvia, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Ukraine.

Đại diện nhóm 12 quốc gia cho biết: Chúng tôi coi việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine là vi phạm cơ bản các nguyên tắc cơ bản mà chúng tôi cùng nhau xây dựng trong EHEA. Nga và các quốc gia hỗ trợ Nga trong chiến dịch quân sự tại Ukraine hãy rời khỏi EHEA.

Trong bối cảnh trên, Liên minh Hiệu trưởng Nga (RUR), nhóm đại diện cho hơn 700 hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học Nga, bày tỏ thái độ tán thành chiến dịch quân sự tại Ukraine. 180 hiệu trưởng cùng nhau ký một lá thư, gửi Chính phủ Nga nhằm thể hiện sự ủng hộ.

“Đây là quyết định để chấm dứt cuộc đối đầu kéo dài 8 năm giữa Ukraine và Donbas. Trong những ngày này, điều quan trọng nhất là hỗ trợ đất nước chúng ta, quân đội chúng ta, lực lượng bảo vệ an ninh của chúng tôi, hỗ trợ tổng thống của chúng ta, người đã phải đưa ra quyết định khó khăn nhưng cần thiết nhất trong cuộc đời mình”, lá thư có đoạn.

Ngay sau khi bức thư được công bố, Liên minh Các trường đại học quốc tế Vương quốc Anh đã viết thư cho RUR thông báo cắt đứt quan hệ hợp tác, đình chỉ các biên bản ghi nhớ giữa hai bên. Ủy ban châu Âu cũng quyết định đình chỉ hợp tác với các cơ quan, tổ chức Nga trong lĩnh vực nghiên cứu, khoa học và đổi mới.

Thay đổi cục diện giáo dục

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2, các trường đại học, cao đẳng tại Mỹ đã lên tiếng phản đối bằng nhiều hoạt động khác nhau như biểu tình, gây quỹ cho Ukraine, rút đầu tư khỏi các công ty, trường học Nga và dừng chương trình hợp tác chung với Chính phủ Nga.

Khi Mỹ và châu Âu áp lệnh trừng phạt lên Nga, lĩnh vực giáo dục và khoa học đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Các nhà khoa học cảnh báo giáo dục đại học nói riêng và giáo dục Nga đang phải đối mặt với khủng hoảng bị cô lập.

Một trong những đối tượng phải chịu tác động lớn nhất là sinh viên Nga. Việc học của họ có thể bị hạn chế khi các chương trình liên kết quốc tế bị đình chỉ, các trường học bị cắt giảm tài trợ từ nước ngoài.

Bài học từ các quốc gia khác cho thấy nhiều bất lợi khi giáo dục đại học bị trừng phạt kéo dài. Ví dụ, khi Mỹ áp biện pháp trừng phạt đối với Iran, sinh viên nước này gần như không thể tham gia các khoá học hoặc chương trình trao đổi quốc tế.

Họ cũng phải đối mặt với rào cản tài chính do biến động kinh tế. Hệ quả là đến nay, sinh viên Iran vẫn không thể đóng học phí cho các trường nước ngoài và không thể du học.

Đối với sinh viên Nga tại nước ngoài, tâm trạng chung là lo lắng, bất an khi nhìn về tương lai phía trước.

Chị Lydia, 21 tuổi, du học sinh người Nga tại Anh, cho biết: Tôi không có ai để tâm sự, tôi lo sợ bị bạn bè tẩy chay, đổ lỗi. Nhưng tôi không thể chia sẻ với gia đình. Bố mẹ tôi đã đủ phiền não khi không thể gửi tiền cho tôi vì các lệnh trừng phạt.

Giống như chị Lydia, nhiều sinh viên Nga ở nước ngoài lo ngại bản thân sẽ bị trục xuất nếu các nước tăng biện pháp trừng phạt với Nga. Hoặc họ không thể tìm việc làm ở nước ngoài khi mang quốc tịch Nga.

Những bất ổn nêu trên khiến sức khoẻ tinh thần của họ sa sút. Nhiều trường đại học nước ngoài bên cạnh hỗ trợ sinh viên Ukraine cũng đang dành sự quan tâm, hỗ trợ tâm lý cho sinh viên người Nga.

Tương tự, các chương trình nghiên cứu, hợp tác trao đổi học thuật giữa giới khoa học Nga và thế giới cũng bị đình trệ, làm giảm khả năng “quốc tế hoá” nghiên cứu giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học Nga dự kiến số lượng du học sinh vào mùa hè năm 2022 sẽ sụt giảm, dù đây không phải nguồn thu chính, nhưng gây ảnh hưởng đến ngân sách hoạt động của các trường.

Theo các chuyên gia, còn quá sớm để hiểu rõ ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt đối với giáo dục Nga nhưng tác động của hành động này là sâu rộng. Đòn giáng mạnh vào kinh tế nước này sẽ thay đổi cục diện giáo dục khi cơ hội học tập bị hạn chế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...