• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều kiện cần và đủ

Câu chuyện về ngành “khát” nhân lực nhưng khó tuyển người học không mới và thường được đề cập nhiều trước mỗi mùa tuyển sinh.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 3 năm (2020 - 2022), đứng đầu danh sách khó tuyển sinh là 4 lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và Thủy sản; Khoa học sự sống; Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội. Tính riêng năm 2022, tỷ lệ tuyển sinh thấp nhất (0,4%) thuộc về lĩnh vực Toán và thống kê; sau đó lần lượt là Khoa học tự nhiên (0,44%), Khoa học sự sống (0,64%) và Nông lâm nghiệp và Thủy sản (0,86%).

Con số này hầu như không thay đổi trong năm 2023. Các ngành đứng cuối bảng mùa tuyển sinh 2023 được Bộ GD&ĐT đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015 - 2023, triển khai công tác tuyển sinh 2024 - 2025 khối đại học và cao đẳng sư phạm tiếp tục là: Dịch vụ xã hội (0,41%), Thú y (0,48%), Toán và thống kê (0,5%), Khoa học tự nhiên (0,5%). Một số ngành dù nhu cầu nhân lực đang rất lớn nhưng không thể thu hút người học. Trường phải đóng cửa ngành học vì không tuyển sinh được cũng không còn hiếm gặp.

Tuyển sinh những ngành nói trên, đặc biệt ngành khoa học cơ bản, gặp khó với cả những trường đại học tốp đầu. Lãnh đạo một trường thuộc ĐHQG Hà Nội trong một tham luận gửi Hội thảo Giáo dục 2023 nhắc đến vấn đề nghiêm trọng trong tuyển sinh là tỷ lệ sinh viên đăng ký các ngành khoa học cơ bản không phải là lựa chọn thứ nhất, dẫn đến sự gắn bó, cam kết học tập không cao; tỷ lệ nhập học/trúng tuyển thấp và không ổn định qua các năm.

Ngành học không phải là lựa chọn của nhiều học sinh có năng lực, đam mê. Có ít sinh viên các trường chuyên nổi tiếng dự thi vào các ngành này như trong quá khứ... Đây là thách thức lớn, vì để đào tạo ngành khoa học cơ bản, sự hứng thú, say mê của người học là điều kiện tiên quyết để họ có thể phát triển thành chuyên gia.

Khắc phục tình trạng trên, các trường cũng có nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ người học, như triển khai chương trình học bổng, chính sách ưu đãi đặc thù, thu học phí thấp… Tuy nhiên, những nỗ lực này cần nhưng dường như chưa đủ để thay đổi cục diện. Đáng lo là, khó tuyển sinh thường kéo theo điểm đầu vào thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Không khắc phục được điều này khó tránh khỏi việc thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao cho đất nước.

Có nhiều nguyên nhân khiến không ít ngành khó khăn thu hút người học. Trong đó có lỗi từ công tác truyền thông về ngành học còn mờ nhạt; từ đó học sinh, gia đình không có đủ thông tin về ngành nghề, vai trò, vị trí, cơ hội việc làm… sau khi tốt nghiệp.

Thậm chí, một số nhóm ngành nghề, người học còn có cái nhìn chưa đúng, thiếu thấu đáo. Cơ chế chính sách chưa thực sự hợp lý trong đào tạo và tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ sinh viên sau khi tốt nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản thường có tỷ lệ tìm được việc làm, nhất là việc làm phù hợp chuyên môn đào tạo chưa cao, mức thu nhập cũng kém hấp dẫn…

Khắc phục điều này là bài toán khó, cần giải pháp đồng bộ, lâu dài. Đó là sự quan tâm từ chính sách vĩ mô với ngành học, người học; cơ chế đặt hàng từ Chính phủ để tạo động lực và nguồn lực, phát triển các ngành đào tạo chiến lược phục vụ phát triển quốc gia; chế độ tiền lương; làm tốt công tác dự báo nhân lực…

Cơ sở giáo dục đào tạo cần nắm bắt thị trường lao động; đổi mới cả nội dung chương trình, phương pháp đào tạo; chương trình đào tạo cần bám sát nhu cầu của thị trường; thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo; tiếp tục những chính sách thu hút người học; làm tốt hơn nữa liên kết với doanh nghiệp… Đặc biệt, nhà trường cần tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo để sinh viên ra trường đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết