Đặt hàng đào tạo giáo viên: Tìm tiếng nói chung
Dù là khối ngành có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học cao nhưng thực tế cho thấy, việc thực hiện theo cơ chế đặt hàng giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn và chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Một số địa phương chưa sẵn sàng vào cuộc
Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm (Nghị định 116/2020/NĐ-CP) cho phép cơ chế đào tạo giáo viên theo phương thức đặt hàng, đấu thầu. Năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên áp dụng chính sách này. Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), việc thực thi chính sách vào thực tiễn vẫn còn khó khăn. Nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc, quá trình triển khai “đặt hàng” chưa đồng bộ.
TS Trương Quý Tùng – Phó Giám đốc ĐH Huế - bày tỏ: Triển khai cơ chế đặt hàng đào tạo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vì gặp một số khó khăn, vướng mắc; trong đó có việc các địa phương chưa phối hợp tốt với trường sư phạm. “Các trường đào tạo giáo viên đặt vấn đề, làm thế nào để UBND các tỉnh, thành phố tham gia vào cơ chế chính sách này” - TS Trương Quý Tùng bày tỏ.
Thực hiện Nghị định trên, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã cung cấp thông tin về chỉ tiêu các ngành lên phần mềm hỗ trợ của Bộ GD&ĐT để các địa phương tham khảo. PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Một số tỉnh thực hiện đặt hàng, tuy nhiên số lượng này chưa nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có lý do: Đây là cách thức phối hợp mới, cộng với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều địa phương chưa tập trung vào việc này. Dù vậy, quyền lợi (về học phí và sinh hoạt phí) của sinh viên sư phạm được nhà trường tuyển sinh theo chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT giao hoàn toàn không bị ảnh hưởng.
Theo ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), việc đăng ký đặt hàng cho các trường đào tạo giáo viên và thực hiện nghĩa vụ chi trả, hỗ trợ cho sinh viên được trích từ các nguồn kinh phí của các địa phương nên các tỉnh cũng cần cân đối. “Chúng tôi đã lường trước được điều này. Vì thế, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các trường sư phạm, tìm mọi giải pháp để việc triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP được thuận lợi” - ông Nghệ nhấn mạnh, đồng thời cho hay: Bộ đã tổ chức hội nghị để triển khai Nghị định trên; đồng thời có nhiều công văn gửi các trường và UBND tỉnh, thành phố để kết nối địa phương với các cơ sở đào tạo giáo viên.
Gỡ khó cho các trường
Cũng theo ông Nghệ, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Vụ Giáo dục Đại học chủ trì với Cục Công nghệ Thông tin xây dựng phần mềm hỗ trợ các trường đào tạo giáo viên kết nối với địa phương để triển Nghị định trên. Bước đầu vẫn còn có khó khăn nhất định. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có những giải pháp để tiếp tục kết nối tốt hơn. Trong đó, có việc yêu cầu các địa phương phải rà soát nhu cầu sử dụng giáo viên, chuyển thông tin về Bộ, sau đó Bộ giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường sát với địa phương” – ông Nghệ chia sẻ, đồng thời đề nghị các trường có giải pháp để thu hút được nhiều “đơn hàng”. Mặt khác, các sở GD&ĐT cần chủ động tham mưu với lãnh đạo tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP; trong đó có cơ chế đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên.
Nhấn mạnh, thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, chia sẻ của lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT đã giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các cơ sở giáo dục đại học có chuyên ngành này. Để việc giao chỉ tiêu sát với thực tế, ngoài yếu tố năng lực của các trường, Bộ còn căn cứ vào nhu cầu sử dụng của các địa phương. Vì vậy, khi tính toán, Bộ sẽ cân đối để bảo đảm phù hợp với thực tiễn. “Bộ đã có công văn đề nghị các địa phương rà soát thông tin đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo năm 2022 và đề xuất nhu cầu từ năm 2023 đến năm 2025. Chúng tôi triển khai sớm việc này nhằm đáp ứng nhu cầu của các trường đào tạo giáo viên” - ông Nghệ trao đổi.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – cho rằng: Cần đổi mới tư duy về cơ chế đặt hàng, đấu thầu trong đào tạo giáo viên. Việc này thực hiện dựa trên nguyên tắc: Lấy chất lượng làm hàng đầu. Theo đó, các trường, địa phương cần chủ động hơn trong xác định nhu cầu và công bố công khai năng lực, chất lượng đào tạo; từ đó các bên gặp nhau để tìm tiếng nói chung. Tất nhiên, Nghị định 116/2020/NĐ-CP ra đời không thể giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến tuyển sinh, hay đào tạo giáo sinh. Chúng ta cũng cần tôn trọng cơ chế thị trường, sự lựa chọn của người học và quy trình tuyển dụng sau này.