• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại học Việt Nam tự chủ kiểu “ném đá dò đường”

PGS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng các trường đại học tham gia tự chủ hiện nay cứ như là "ném đá dò đường".

Đại học Việt Nam tự chủ kiểu “ném đá dò đường”

Các trường đại học Việt Nam đang tự chủ kiểu “ném đá dò đường”. Ảnh: Nguyễn Hải

Bộ GDĐT vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho việc xây dựng dự thảo đề án tự chủ đại học ở Việt Nam giai đoạn 2024 – 2030 tại Đà Nẵng trong các ngày 19 và 20.10, nhằm nghe lãnh đạo các trường đại học “nói thật, nói thẳng” những vướng mắc đã gặp phải trong quá trình tự chủ những năm qua, sau khi thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi (ban hành năm 2018).

Tại hội thảo, lãnh đạo các trường đại học trong cả nước cũng một lần nữa (bởi trước đó đã nói rất nhiều lần trên các diễn đàn khác nhau) “nói thật, nói thẳng” về hàng loạt những vướng mắc của tự chủ đại học đang triển khai.

Trong đó vướng mắc lớn nhất, theo PGS Nguyễn Ngọc Vũ của Đại học Đà Nẵng là hệ thống chưa đồng bộ, chưa nhất quán. Các trường tham gia tự chủ hiện nay cứ như là ném đá dò đường”.

Chưa đồng bộ, thể hiện rõ nhất ở chính sách thuế chưa rõ ràng nên cơ quan thuế vào thanh kiểm tra ở đơn vị nào thì đơn vị đó chịu hậu quả tương đối nặng.

Thể hiện ở việc trường đại học vừa được tự chủ xong thì bị cắt ngân sách, nhưng học phí mấy năm vừa rồi không cho tăng. "Đã cắt ngân sách thì phải cho tự chủ về học phí", PGS Vũ bức xúc.

Theo ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GDĐT, đề án tự chủ đại học ở Việt Nam giai đoạn 2024 - 2030 phải chỉ ra những "điểm nghẽn" thực sự mà nếu không thay đổi thì sẽ dẫn đến hậu quả.

Mà một trong những hậu quả có thể nhìn thấy trước mắt, nói như PGS-TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM là tự chủ đại học ở Việt Nam đang phải đối mặt những "thách thức về niềm tin", không chỉ đối với thầy cô giáo, mà còn với đại đa số nhân dân.

Bởi con em nhiều gia đình giờ đây trúng tuyển vào đại học nhưng học phí cao so với thu nhập của đại đa số, trong khi nhà trường loay hoay xin tăng học phí vì trường đại học ở Việt Nam phải "tự chủ kinh tài", nhưng vẫn không đủ để tổ chức nghiên cứu trong nhà trường, không đủ để nâng cấp thực sự trình độ của giảng viên.

Kết thúc 2 ngày hội thảo cho thấy, lãnh đạo Bộ GDĐT mong lãnh đạo các trường đại học “nói thật, nói thẳng” thì đã được nghe lời “nói thật, nói thẳng”; mong chỉ ra “điểm nghẽn” thì lãnh đạo các trường cũng đã chỉ ra rất nhiều “điểm nghẽn” về tự chủ đại học đang triển khai.

Vấn đề còn lại bây giờ là trách nhiệm của Bộ GDĐT. Và mong rằng việc giải quyết các “điểm nghẽn” sẽ thuận lợi như lời của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: “Khi phát hiện được rồi, việc còn lại là tìm giải pháp giải quyết đúng cái "điểm nghẽn" đó thì cũng không quá khó”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết