Cuộc đua vào đại học
Dù chưa có kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng nhiều trường đại học đã công bố điểm xét tuyển đại học từ học bạ. Các bậc phụ huynh không khỏi giật mình vì biểu điểm cao chót vót, lên tới 24-25, thậm chí có trường là 28 điểm.
Học lực trung bình môn 8 điểm hoặc 9 điểm trở lên mới vào nổi đại học thì quả là khốc liệt. Là học sinh giỏi cũng không chắc vào được đại học theo cách này. Nhưng quyền xét tuyển là của trường theo chỉ tiêu được phân bổ và yêu cầu chất lượng mà trường mong muốn. Khó trách được ai khi nhu cầu học sinh cao mà trường đào tạo có giới hạn. Vấn đề cần "cân đo" là nâng chất lượng đầu vào có bảo đảm chất lượng đầu ra, đáp ứng được nhu cầu của xã hội hay không?
Những năm gần đây, hệ thống đại học của chúng ta được cải tổ: Đa dạng hệ đào tạo, đa dạng ngành nghề, phát triển liên kết và cũng phát triển luôn mức đóng học phí. Sự cải tổ này phát huy được quyền tự chủ của các trường và người học có nhiều lựa chọn hơn.
Từ đây, các trường cũng vào cuộc cạnh tranh quyết liệt để tạo uy tín và thu hút người học thông qua chất lượng sinh viên cung ứng cho thị trường lao động. Nhưng muốn có sinh viên tốt thì trước hết phải có học sinh đầu vào tốt, mà trong điều kiện hiện tại không cách nào nhanh hơn là chọn lọc qua điểm số. Cạnh tranh theo tiêu chí cao luôn tốt hơn cạnh tranh theo tiêu chí thấp là hạ điểm để có nhiều sinh viên, thu nhiều học phí nhưng không kiện toàn nổi chất lượng đào tạo.
Nhưng tự do cạnh tranh không có nghĩa buông thả. Nhà nước luôn có sự điều tiết với lực lượng lao động tương lai theo kế hoạch phát triển xã hội trong từng giai đoạn nhất định. Trong quá khứ, khi chúng ta tập trung xóa mù chữ, phát triển giáo dục và cải thiện nông thôn thì đã ưu tiên đào tạo cho ngành sư phạm và nông - lâm. Kế đó, khi hội nhập kinh tế thì ưu tiên phát triển các trường kinh tế, marketing. Gần đây là chú trọng các ngành IT và sắp tới có thể là các ngành khoa học không gian, AI - trí tuệ nhân tạo, môi trường... Điều tiết quốc gia là thế, còn điều tiết từng vùng thì cụ thể hơn về nhu cầu phát triển thế mạnh địa phương.
Song hành với điều tiết ngành chính là điều tiết về thu nhập và điều kiện phát triển để nguồn lao động được phát huy năng lực đúng chỗ, đúng ngành nghề. Điều này tránh lãng phí xã hội theo cách mà chúng ta thường thấy là có nơi không tìm được lao động lành nghề nhưng có nơi cầm tấm bằng đại học chạy Grab. Hoặc đào tạo xong không được sử dụng đúng năng lực, không trả công tương xứng nên họ mang kiến thức đi xuất khẩu lao động.
Với bối cảnh của ngành giáo dục và điều kiện xã hội hiện nay thì cơ hội vào đại học của học sinh rất lớn. Điều tiên quyết là dù có cải cách giáo dục đến thế nào, phát triển hệ thống giáo dục đại học đến đâu thì phải luôn tuân thủ nguyên tắc là không làm mất đi cơ hội học tập của học sinh.
Bước chân vào giảng đường không dừng lại ở sự khốc liệt khi tuyển sinh. Những khó khăn lớn nhất luôn nằm sau cánh cổng đại học: Nỗi lo học phí trên vai cha mẹ và cả những nỗi băn khoăn nghề nghiệp trong tương lai để mình không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.