• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội "sửa sai"

Thực tế cho thấy, sau một thời gian học tập, nhiều sinh viên phát hiện mình chọn sai trường, sai ngành học. 

Ảnh minh họa Internet.

Ảnh minh họa Internet.

Thậm chí, một số em sau khi tốt nghiệp mới nhận ra, mình đã “lạc hướng”.

Quy định về việc cho phép sinh viên được chuyển trường, chuyển ngành nếu đủ điều kiện đã có được thể hiện trong Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT (Thông tư 08). Nếu đủ điều kiện sinh viên được xem xét chuyển ngành, chuyển nơi học, cơ sở đào tạo và chuyển hình thức học.

Thông tư 08 được ví như lời giải nhiệm màu trước bài toán khó của nhiều sinh viên khi trót chọn sai trường, sai ngành học. Nói cách khác, Thông tư 08 giúp sinh viên có thể “sửa sai” nếu thấy lựa chọn của mình chưa hợp lý. Thực chất, sự thay đổi này không đơn thuần là vấn đề cơ học, mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi liên quan đến tương lai và thay đổi cuộc đời của người học. Thứ nữa, cả người học và cơ sở đào tạo không bị lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc.

Lẽ tất nhiên, đây việc “cực chẳng đã”, chúng ta không cổ xúy sinh viên chọn bừa để rồi sửa chữa. Vì thế, hơn bao giờ hết, trước khi chọn ngành, trường, các em cần cân nhắc thật kỹ về sở trường, sở đoản và tìm hiểu thấu đáo về ngành học, trường đại học mà mình sẽ theo học. Tránh rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” và “đau đầu” với bài toán chọn nhầm, rồi lại phải chuyển qua, chuyển lại.

Nên nhớ, việc chuyển trường, chuyển ngành không phải ai muốn cũng được. Tất cả đều có nguyên tắc và điều kiện ràng buộc. Chẳng hạn như: Không đang là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa. Không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định. Sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo, của trụ sở chính (hoặc phân hiệu) trong cùng khóa tuyển sinh.

Ngoài ra, cơ sở đào tạo, trụ sở chính (hoặc phân hiệu) phải có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT. Được sự đồng ý của cơ sở đào tạo – cả nơi chuyển đi và chuyến đến.

Theo các chuyên gia, vấn đề chuyển ngành, chuyển cơ sở đào tạo không phải là mới. Ở nhiều nước trên thế giới, đây là hoạt động bình thường của các trường đại học. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 08, hoạt động này mới thực sự “chuyển động”. Đơn cử như, Quy chế đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép sinh viên chuyển ngành học sau năm thứ nhất nếu đáp ứng một số điều kiện. Quy chế này áp dụng với sinh viên khóa tuyển sinh từ năm 2022 trở đi.

Hay như nhóm 10 trường khối Kinh tế đã ký thỏa thuận trao đổi sinh viên và công nhận tín chỉ của nhau hồi cuối tháng 10 năm nay. Theo đó, sinh viên được đăng ký học tập 1 - 2 học kỳ ở các trường trong nhóm, mỗi kỳ từ 12 - 25 tín chỉ và được chuyển đổi kết quả học tập.

Có thể nói, những quy định của Thông tư 08 đã mở thêm quyền lợi cho sinh viên và tiệm cận với đào tạo trình độ đại học tại các nước phát triển. Chẳng hạn, tại Mỹ, sinh viên có thể đăng ký học bất kỳ môn học nào tại các trường đại học khác trường mình đang học. Trường đại học mà sinh viên đang học có trách nhiệm xem xét và công nhận các tín chỉ này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết