Chú trọng xây dựng văn hóa giao thông từ trường học
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp, chú trọng đến xây dựng văn hoá giao thông ngay từ trong các trường học trên địa bàn Hà Nội đã và đang mang lại hiệu quả, góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên và phụ huynh về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Vi phạm còn nhiều
Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trung bình mỗi năm có tới 2.000 thanh thiếu niên thiệt mạng vì tai nạn giao thông trên cả nước. Học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông kể trên. Tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của nhóm này có xu hướng gia tăng.
Lực lượng chức năng xử lý học sinh, phụ huynh chở học sinh vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông |
Hiện tượng thanh thiếu niên điều khiển xe máy, xe điện không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, bóp còi inh ỏi... diễn ra ngày càng nhiều. Thậm chí, nhiều trường hợp lạng lách, đánh võng, đem theo hung khí khi tham gia giao thông. Tâm lý manh động, chống người thi hành công vụ cũng thể hiện rất rõ ở lứa tuổi này.
Bên cạnh đó, hiện tượng học sinh chưa đủ 18 tuổi sử dụng xe máy trên 50 phân khối cũng ngày càng tăng. Đến bãi gửi xe của các trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ dễ dàng nhận thấy tình trạng này.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức yếu kém về nguy cơ tiềm ẩn khi tham gia giao thông, cộng với tâm lý bốc đồng của tuổi mới lớn khiến không ít người trẻ sẵn sàng phạm luật, gây ảnh hướng tới bản thân, gia đình và cả những người xung quanh.
Một phần nữa là do thiếu sự quan tâm, giáo dục và quản lý từ các bậc phụ huynh. Nhiều cha mẹ còn cho con đi xe máy đến trường khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe.
Bên cạnh gia đình, việc giáo dục ý thức cho học sinh, sinh viên trong nhà trường cũng chưa được quan tâm đúng mức. Các chế tài tại trường học áp dụng đối với vi phạm của học sinh, sinh viên không đủ mạnh để răn đe. Việc xử lý không được thực hiện thường xuyên, liên tục nên chưa tạo được thói quen tham gia giao thông văn minh cho học sinh.
Theo Trung tá Ngô Lê Tuấn Anh (Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, Công an quận Ba Đình, Hà Nội), tâm lý chủ quan, coi nhẹ việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông vẫn còn xuất hiện ở một bộ phận không nhỏ phụ huynh và học sinh.
Tình trạng phụ huynh giao phương tiện con, em mình điều khiển khi chưa đủ tuổi đến trường vẫn còn diễn ra. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của học sinh khi tham gia giao thông còn chưa cao.
Thay đổi phương pháp giáo dục
Để góp phần giúp học sinh nâng cao ý thức đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời xây dựng văn hóa giao thông từ nhà trường, thời gian qua, nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.
Bằng nhiều hình thức khác nhau, hiện có không ít các mô hình tuyên truyền hay, hiệu quả được triển khai, từ đó từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh.
Các bạn sinh viên trải nghiệm kính thực tế ảo trong “Chương trình đào tạo về tác hại của việc sử dụng rượu bia trong điều khiển phương tiện giao thông” |
Đơn cử, tại quận Ba Đình, để duy trì thói quen chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối với phụ huynh và học sinh, Công an quận thường xuyên triển khai cán bộ tuần tra, ứng trực tại khu vực các trường học để nhắc nhở, tuyên truyền đến phụ huynh cũng như học sinh trong việc điều khiển phương tiện đúng quy định.
Ngoài việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, Công an quận Ba Đình cũng tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến học sinh như: Điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, không chấp hành hiệu lệnh đèn, đặc biệt xử lý nghiêm những trường hợp phụ huynh chở con đi học không đội mũ bảo hiểm vi phạm hoặc các hành vi vi phạm khác.
Bên cạnh công tác xây dựng văn hóa giao thông trong trường học, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” cũng là mô hình được quận Ba Đình nhân rộng nhằm nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong việc giám sát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh…
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, các hình thức tuyên truyền, giáo dục về văn hóa tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên cần có nhiều sự đổi mới, phù hợp với thị hiếu của người trẻ.
Việc sử dụng công nghệ hiện đại để truyền tải kiến thức về trật tự an toàn giao thông mang đến những trải nghiệm chân thực, để lại ấn tượng mạnh mẽ. Từ đó sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao văn hoá của thanh thiếu niên khi tham gia giao thông.
Đơn cử như “Chương trình đào tạo về tác hại của việc sử dụng rượu bia trong điều khiển phương tiện giao thông”, sử dụng kính thực tế ảo để học viên tận thấy tác động của rượu bia khi lái xe đang được triển khai thí điểm tại một số trường đại học.
Các chuyên gia nhận định rằng, sử dụng kính thực tế ảo để trải nghiệm sẽ tác động mạnh vào thị giác; qua đó khiến người học hiểu rõ về nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Mô hình giáo dục, đào tạo kiến thức về trật tự an toàn giao thông này rất hiện đại và hiệu quả.
Cùng với đó, một nguồn lực sẵn có mà các cơ quan chức năng, các đơn vị có thể tận dụng để tiếp cận gần hơn với người trẻ chính là thông qua các trang mạng xã hội. Việc cập nhật thông tin, hình ảnh về tai nạn giao thông; xây dựng kế hoạch tuyên truyền về an toàn giao thông... trên mạng xã hội sẽ gần gũi với giới trẻ và có thể đem đến hiệu quả thay đổi về nhận thức tốt hơn.
Bên cạnh những hình thức tuyên truyền, giáo dục thì việc quản lý và xử phạt các hành vi vi phạm giao thông của thanh thiếu niên cũng cần được siết chặt hơn nữa. Xử phạt nghiêm khắc cũng là cách khiến người trẻ ghi nhớ hơn về các quy định khi tham gia giao thông, nâng cao văn hoá giao thông với đối tượng học sinh, sinh viên.