• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chọn ngành, chọn nghề - chọn cả tương lai

Dù lực học khá tốt nhiều học sinh vẫn không tránh khỏi băn khoăn, lo lắng trước lựa chọn mang tính bước ngoặt của cuộc đời - chọn ngành, chọn nghề. Để giúp các em tháo gỡ băn khoăn ấy, trước mùa tuyển sinh năm 2024, báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với trường Đại học Thành Đô và các đơn vị đồng hành tổ chức chuỗi chương trình “Đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT”.

Lưu ý quan trọng khi đăng ký xét tuyển

Trong chương trình đầu tiên được tổ chức tại trường THPT Thường Tín (xã Văn Phú, huyện Thường Tín), đã có hàng nghìn học sinh THPT ở Hà Nội tham gia. Tại đây, TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã mang đến cho các em học sinh nhiều thông tin hữu ích về công tác xét tuyển đại học năm 2024.

Chọn ngành, chọn nghề - chọn cả tương lai

TS Phạm Văn Tư - Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cung cấp nhiều thông tin liên quan đến công tác tuyển sinh đại học năm 2024 (Ảnh: Phạm Mạnh)

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, năm 2024, công tác xét tuyển đại học cơ bản giữ ổn định như năm ngoái. Về việc đăng ký nguyện vọng, Tiến sĩ Phạm Như Nghệ lưu ý học sinh cần ghi nhớ “yêu thích ngành học nào nhất, cứ xếp nguyện vọng đó đầu tiên, tương tự như vậy cho đến nguyện vọng cuối cùng”.

Tại buổi đối thoại, nhiều học sinh bày tỏ lo lắng không biết ngành mình chọn theo học giờ đây liệu có đúng đắn và sau khi ra trường, cơ hội việc làm liên quan đến ngành học có còn cao?

Thí sinh khi chọn ngành, chọn trường, đừng chỉ “nghe loáng thoáng” rồi vội vàng đăng ký. Thay vào đó, cần tìm hiểu yêu cầu của ngành học đó như thế nào, năng lực và sở trường của bản thân có phù hợp với ngành đó hay không, thậm chí sức khỏe và cả vấn đề tài chính.

“Có thể có những trường các em rất thích nhưng cần nghiên cứu mức học phí liệu có thể đáp ứng. Nhiều em rất thích vào các trường khối công an nhưng sau khi trúng tuyển lại không đủ điều kiện sức khỏe để theo học”, TS Phạm Như Nghệ nói.

Một lưu ý khác là về xét tuyển sớm. Thí sinh cần lưu ý dù được công bố đủ điều kiện trúng tuyển sớm thì thí sinh vẫn chưa thực sự trúng tuyển.

Thí sinh cần phải đăng ký các nguyện vọng trúng tuyển sớm này lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT trong thời gian đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ sót bước này, kết quả trúng tuyển sớm của các thí sinh sẽ không có hiệu lực.

Ngoài ra, các nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển cần được sắp xếp theo thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng đầu tiên là nguyện vọng có ưu tiên cao nhất.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Phạm Như Nghệ cũng lưu ý bên cạnh việc chọn trường, chọn ngành theo sở thích, thí sinh cần theo dõi điểm chuẩn của từng ngành, từng trường những năm trước để có sự lựa chọn phù hợp.

Nhiều thắc mắc của học sinh tại chương trình “Đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT” đã được các chuyên gia giải đáp

Nhiều thắc mắc của học sinh tại chương trình “Đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT” đã được các chuyên gia giải đáp

Hiểu mình, hiểu nghề để đi đúng hướng

Cũng tại chương trình, các em học sinh đã lắng nghe đại diện các cơ sở giáo dục đại học chia sẻ về phương thức xét tuyển năm 2024, chỉ tiêu, nguyện vọng cùng nhiều ưu đãi về học phí.

Bà Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô cho biết: Năm 2024, trường có 4 phương thức xét tuyển. Đó là, xét tuyển theo kết quả học tập THPT, xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển theo kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Các học sinh có thể tìm hiểu các thông tin về phương thức tuyển sinh, các chương trình rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, học kỳ doanh nghiệp của Đại học Thành Đô để lựa chọn ngành nghề phù hợp, tìm ngành nghề các em yêu thích tại website và fanpage của trường.

Trong khi đó, TS Phạm Văn Tư - Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cung cấp đến các em học sinh nhiều thông tin liên quan đến công tác tuyển sinh đại học năm 2024 của nhà trường. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 5 phương thức xét tuyển: Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, cấp tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét tuyển học bạ THPT; sử dụng kết quả thi năng khiếu với một số ngành giáo dục thể chất, âm nhạc; bài thi đánh giá năng lực.

Trường có 2 nhóm ngành Sư phạm và nhóm ngành ngoài Sư phạm. Đặc biệt có 2 ngành mới: Sư phạm KTTN, Sư phạm Lịch sử địa lý với tổng chỉ tiêu khoảng 5.000 cho các thí sinh yêu thích ngành Sư phạm.

TS Phạm Văn Tư lưu ý các em học sinh đặc biệt chú ý rèn luyện bản thân về hạnh kiểm. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ tuyển các học sinh có hạnh kiểm Khá trở lên.

“Bên cạnh đó, các em học sinh cũng nên lưu ý các mốc thời gian nộp hồ sơ được quy định cụ thể có trên web của trường. Các em phải luôn luôn cập nhật thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thấy khó thì phải luôn hỏi thầy cô và các thông tin đăng tải trên báo chí chính thống”, thầy Tư nhấn mạnh.

Tại chương trình, nhiều học sinh THPT huyện Thường Tín quan tâm đến các ngành đào tạo của trường Cao đẳng Y Hà Đông. Em Nguyễn Thị Thu Hà - học sinh lớp 12 trường THPT Thường Tín chia sẻ: “Em quan tâm đến ngành Điều dưỡng của trường Cao đẳng Y Hà Đông từ lâu. Thật vui vì hôm nay em được tìm hiểu các thông tin tuyển sinh của nhà trường ngay tại đây”.

Được biết, năm 2024, trường Cao đẳng Y tế Hà Đông tuyển sinh 7 ngành là Cao đẳng Điều dưỡng, Cao đẳng Dược, Cao đẳng Kỹ thuật Xét nghiệm Y học, Cao đẳng Y sĩ đa khoa, Cao đẳng Hộ sinh, Trung cấp Y sĩ đa khoa, Cao đẳng chăm sóc sắc đẹp. Về phương thức xét tuyển, nhà trường xét tuyển học bạ THPT điểm trung bình lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12.

“Điều đặc biệt, nhà trường liên kết với các đối tác nước ngoài trong công tác xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra cho sinh viên ngành Điều dưỡng, Dược sau khi tốt nghiệp được làm việc tại Nhật Bản, CHLB Đức, Sinh viên sẽ được học tiếng Đức, Nhật miễn phí thay thế tiếng Anh để đảm bảo đáp ứng được năng lực ngoại theo yêu cầu của Đức và Nhật trong suốt ba năm học ...

Trong quá trình học tập, các em sẽ được tham gia các hội thảo, các chương trình thực tập, chăm sóc sức khoẻ ở nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp 100% sinh viên có việc làm tại Đức và Nhật với mức lương cao”, đại diện Ban giám hiệu trường Cao đẳng Y Hà Đông cho biết.

Phân vân giữa khối ngành Sư phạm, Báo chí và Kinh tế, Lương Uyển Nhi, học sinh lớp 12A1, trường THPT Thường Tín tham gia chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành khoa học và xã hội” với tâm thế mong muốn có được những tư vấn cụ thể để lựa chọn theo học ngành nghề phù hợp với bản thân.

“Trước khi tham dự buổi Đối thoại, em thực sự vẫn phân vân với ngành nghề trong tương lai của mình dù lực học khá tốt. Tuy nhiên sau khi lắng nghe tư vấn từ các thầy và đặc biệt là của các anh chị sinh viên, cựu sinh viên tại quầy tư vấn của các trường, em đã có cho mình những lựa chọn nhất định và có kế hoạch cụ thể để thực hiện điều đó.

Chương trình bổ ích và cần thiết với các bạn học sinh cấp 3, đặc biệt là khối 12 cuối cấp. Trong thời gian tới, em hy vọng sẽ được tham gia nhiều chương trình đối thoại, tư vấn tuyển sinh để có cho mình một lộ trình học tập hợp lý”, Uyển Nhi chia sẻ.

Nhà báo Ngô Vương Tuấn - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô cho biết: Chương trình là hoạt động thiết thực của báo Tuổi trẻ Thủ đô đồng hành cùng các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh cấp 3 trên hành trình lập thân, lập nghiệp, góp phần giải quyết tình trạng mất cân bằng trong lựa chọn ngành nghề hiện nay, hướng đến sự phát triển cân bằng của các lĩnh vực trong xã hội.

Trong tháng 4 và 5/2024, hoạt động tư vấn, định hướng nghề sẽ tiếp tục được báo phối hợp với các đơn vị tổ chức tại các trường THPT thuộc các huyện ngoại thành của thành phố.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...