Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: Xây dựng lối ứng xử văn minh trong học đường
Văn hóa là nền tảng tinh thần, cũng là mục tiêu và động lực phát triển của xã hội.
Vì vậy giáo dục nền nếp, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là một trong những nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp giáo dục và tiến bộ của xã hội.
Lấy văn hóa học đường làm nền tảng
Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh. Đặc biệt trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Chia sẻ điều này, cô Hứa Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng:
Đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, đòi hỏi ngành Giáo dục cũng phải chuyển mình, vận hành theo xu hướng “đổi mới căn bản, toàn diện”… nhằm đào tạo ra những thế hệ công dân “vừa hồng vừa chuyên”, những con người sống có hoài bão, lý tưởng tốt đẹp. Bởi vậy, trường học tuyệt đối không thể là môi trường thiếu văn hóa khi thực hiện chức năng truyền tải những giá trị, kiến thức nhân văn cho thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, theo cô Huyền, một thực trạng đáng lo ngại, đó là văn hóa ứng xử học đường chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nhiều trường học do áp lực về thành tích thi đua nên chỉ chú trọng việc dạy kiến thức mà xem nhẹ giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh. Đáng báo động hơn là tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ nguy hiểm. Nhiều trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật mà vẫn ngây ngô, không biết mình phạm tội. Hiện trạng này đặt ra nhiệm vụ lớn cho mỗi nhà trường, giáo viên trong công tác giáo dục học sinh.
Với cương vị một hiệu trưởng, nhà quản lý giáo dục, vấn đề xây dựng văn hóa học đường khiến cô Huyền đặc biệt quan tâm và đau đáu suốt hơn 20 năm qua. Trên hành trình đó, nữ hiệu trưởng luôn tìm hướng đi cho công tác quản lý, giáo dục học sinh.
Bắt đầu từ hoạt động thiết thực
“Chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục” không hề đơn giản. Đó là một quá trình, kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, là nhiệm vụ cấp thiết không chỉ của ngành GD&ĐT mà cần có sự vào cuộc của các Bộ, ban, ngành liên quan, tổ chức đoàn thể trong mỗi cơ sở giáo dục…
Chia sẻ tâm huyết và kinh nghiệm trong công tác giáo dục văn hóa cho học sinh từ nhiều năm qua, cô Hứa Thu Huyền nhận định: Bắt đầu từ tiểu học, học sinh cần được quan tâm giáo dục về nền tảng văn hóa cốt lõi, bằng những hoạt động cụ thể trong nhà trường.
Tại các trường tiểu học từng công tác, cô Huyền đã triển khai tới giáo viên, học sinh các nội dung giáo dục văn hóa rất cụ thể:
Giáo dục truyền thống yêu nước, thương dân, tinh thần đoàn kết dân tộc. Giáo dục lòng nhân ái cho học sinh thông qua các hoạt động hướng thiện. Luôn hướng học trò tới những hành vi ứng xử văn hóa, khơi dậy cho các em tình cảm yêu thương, biết cảm thông, chia sẻ. Những hoạt động này nhằm giáo dục ý thức, hoàn thiện nhân cách cũng như kỹ năng sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và xây dựng nếp sống đẹp, lối ứng xử văn minh trong học đường.
Phát triển “văn hóa đọc” gắn với các môn học và hoạt động thư viện trường học nhằm thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu, khám phá tri thức của học sinh. Đọc sách không chỉ đơn thuần là hình thức tiếp nhận thông tin, kiến thức mà còn là một trong những hoạt động văn hóa.
Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học gắn với xây dựng “trường học hạnh phúc”: Văn hóa ứng xử chính là đặc điểm tính cách của cá nhân được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói của từng cá nhân trong giao tiếp xã hội. Đó là yếu tố quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục học sinh.
Giáo dục ý thức giữ gìn và phát huy bản sác văn hóa dân tộc cho học sinh thông qua việc tổ chức đưa các trò chơi, loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian vào trường học phù hợp đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và tình hình nhà trường.
Đặc biệt, cô Huyền cho rằng: Đưa dân ca vào trường học là chủ trương đúng đắn của Bộ GD&ĐT, từng bước đưa các em tiếp cận với những làn điệu dân ca đậm đà, sâu lắng của quê hương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng miền và các dân tộc khác nhau. Hoạt động này tạo được môi trường học tập chan hòa, cởi mở, thân thiện, hạnh phúc giữa giáo viên và học sinh.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Thuý Minh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhận định: Giáo dục giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho trẻ. Cấp tiểu học không chỉ dạy chữ mà còn dạy người. Uốn nắn trẻ ngay từ nhỏ sẽ dễ hơn nhiều.
Nhận định, nhà trường là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất trong việc giáo dục văn hóa cho thế hệ trẻ, tại Trường Tiểu học Đông Thái thường xuyên triển khai giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua các ngày lễ lớn trong năm.
Cụ thể hơn, trong năm học, nhà trường chọn một nội dung trọng tâm giáo dục đạo đức cho học sinh: Văn hóa chào hỏi. Giáo viên sẽ là người chủ động chào học sinh trước. Cùng đó, phát động: Ngày chào hỏi, Tuần chào hỏi và tổ chức tọa đàm trong học sinh; Cách chào hỏi, cách xưng hô, tìm nét đẹp, câu chuyện đẹp trong chào hỏi. Học sinh các lớp có nhật ký ghi lại những lời chào hỏi, việc làm tốt…