Cân bằng quyền lợi và chất lượng
Đề án tuyển sinh năm 2022 của một số trường đại học xuất hiện nhiều tổ hợp lạ bên cạnh các tổ hợp truyền thống.
Trường đại học đào tạo khối ngành sức khỏe tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh học, khối kỹ thuật không có môn Toán, kiến trúc không có môn Vẽ… được xem là những tổ hợp lạ trong tuyển sinh.
Việc mở rộng tổ hợp môn xét tuyển, trong đó không có những môn được xem là môn nền tảng của ngành đào tạo được các cơ sở giáo dục đại học cho rằng những thay đổi này là vì quyền lợi của người học. Theo đó, bên cạnh tổ hợp truyền thống, thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn khi trường đại học mở rộng tổ hợp xét tuyển. Ví dụ như khối ngành Y chỉ xét tuyển tổ hợp môn Toán – Hóa – Sinh thì sự lựa chọn của thí sinh rất hạn chế. Nhưng nếu có nhiều hơn một tổ hợp, những thí sinh có kết quả bài làm môn mình định xét tuyển ở tổ hợp truyền thống thấp nhưng điểm cao ở các môn khác có thể sử dụng để tham gia xét tuyển.
Vài năm gần đây, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng có thêm tiêu chí phụ đối với ngành Kiến trúc. Theo đó, thí sinh phải có điểm thi môn Toán trên 5 điểm mới đủ điều kiện để tham gia xét tuyển. Lý giải về điều này, PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Toán là một môn cơ bản đối với khối ngành kiến trúc. Đây là ngành học không chỉ cần năng khiếu, mà còn cần đến tư duy hình khối. Vì vậy, có những thí sinh dù điểm thi môn năng khiếu cao nhưng vẫn không đủ điều kiện sơ tuyển do điểm môn Toán dưới 5. Dù trong quá trình học, kiến thức môn Toán không nhiều nhưng đây là môn học nền tảng để kiểm tra tư duy của thí sinh”.
Môn Sinh học được xem là những môn căn bản, môn cơ sở ngành đối với các ngành đào tạo khối sức khỏe để tiếp thu những kiến thức và kỹ năng chuyên ngành. Chưa kể trong quá trình đào tạo ngành sức khỏe liên quan trực tiếp đến con người, kiến thức sinh học chiếm một khối lượng khá lớn.
Cũng tương tự như môn Toán với khối ngành kỹ thuật, nếu người học qua được sự sàng lọc đầu vào với những môn nền tảng này thì quá trình học tập, nghiên cứu ở môi trường đại học sẽ thuận lợi hơn nhiều. Bởi với ngành học mang tính đặc thù, nếu người học chỉ có đam mê thôi là chưa đủ. Sinh viên nếu không có kiến thức nền tảng về chuyên ngành tốt thì rất vất vả trong quá trình học tập, thậm chí dễ rơi vào tình trạng bị đình chỉ nếu có kết quả học tập thấp.
GS.TSKH Bùi Văn Ga – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - phân tích: “Trong giai đoạn trước mắt cũng như tương lai lâu dài, nguồn tuyển sinh có chất lượng luôn là thách thức mà các nhà trường ĐH nói chung phải đối mặt. Nếu trước đây, có trường, có chỉ tiêu tuyển sinh là có học sinh đến học thì nay mọi thứ đã khác”.
Những năm gần đây, vào đại học được phụ huynh và thí sinh xem là một cách đầu tư cho tương lai. Thí sinh, khi lựa chọn trường để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển không chỉ đơn thuần chọn một trường cho có, mà còn cân nhắc về chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm… Cán bộ quản lý của một trường đại học lớn nêu quan điểm, nếu bỏ qua những môn được xem là truyền thống trong tổ hợp xét tuyển cũng đồng nghĩa với việc cơ sở đào tạo xác định không có môn nào quan trọng hết.
Mở rộng tổ hợp xét tuyển nhưng bỏ qua những khung cứng trong đào tạo, ở một khía cạnh nào đó, các trường đại học đã đẩy khó khăn về phía người học. Một khi không đảm bảo được chất lượng đầu vào thì đầu ra sẽ phần nào bị ảnh hưởng nếu người học không có sự nỗ lực vượt trội để bù đắp kiến thức nền tảng. Quyền lợi của người học, vì vậy, phải được xem xét ở cả đầu vào và đảm bảo chất lượng ở đầu ra. Đây cũng là trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục trong quá trình thực hiện tự chủ đại học.