Ba kiến nghị của hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP HCM đến Chủ tịch nước
Ngày 13-11, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước cùng đoàn công tác đã có buổi thăm và làm việc với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM).
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm hỏi các thầy cô giáo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM
Trở về thăm trường, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hoa Không gian kỷ niệm Phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn-Gia Định-TP HCM; trồng cây lưu niệm; thăm lớp học và viết sổ lưu niệm; gặp mặt, phát biểu với các thế hệ thầy, cô giáo, sinh viên, trao học bổng cho sinh viên.
Báo cáo đến Chủ tịch nước và các thành viên trong đoàn công tác, PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), cho biết trường được thành lập vào năm 1957 với tiền thân là ĐH Văn Khoa (thuộc Viện Đại học Sài Gòn), ĐH Tổng hợp TP HCM. Trường là trung tâm nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn lớn nhất miền Nam. Trong quá trinh phát triển, nhà trường đã xác lập giá trị cốt lõi là Sáng tạo - Dẫn dắt - Trách nhiệm; Triết lý giáo dục là Giáo dục toàn diện - Khai phóng - Đa văn hóa làm kim chỉ nam cho hoạt động. Hiện nay, truờng đang đào tạo 34 ngành bậc ĐH, 34 ngành bậc thạc sĩ, 18 ngành bậc tiến sĩ.
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng thông tin về quy mô đào tạo sứ mệnh, đội ngũ cán bộ, giảng viên; hợp tác quốc tế của nhà trường…
Tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn kiến nghị đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng 3 vấn đề.
Thứ nhất, trong bối cảnh tự chủ giáo dục ở giai đoạn đầu còn nhiều thách thức, Nhà nước cần có sự quan tâm kịp thời đối với việc nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực khoa học cơ bản, cụ thể là ngành khoa học xã hội và nhân văn. Nếu không có sự quan tâm kịp thời và hiệu quả thì các lĩnh vực khoa học cơ bản này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của cơ chế thị trường và hệ quả là sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước.
Thứ hai, để đảm bảo sự công bằng cho sự tiếp cận giáo dục đại học, Nhà nước cần nghiên cứu để có chính sách cho vay tín dụng phù hợp đối với sinh viên, để các em có thể thực hiện được ước mơ đại học, phát huy được năng lực của mình đóng góp cho sự phát triển của đất nước và xã hội.
Thứ ba, trong dịp kỷ niệm Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20-11, bà Ngô Thị Phương Lan chuyển tải mong mỏi của các thầy cô giáo trong cơ sở giáo dục ĐH công lập như Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn hiện nay đó là muốn có sự quan tâm kịp thời hơn nữa của Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng đời sống để thầy cô có thể có điều kiện tốt hơn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi lời chúc mừng đến các thầy cô giáo nhân ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20-11. Đồng thời, ông cũng trao đổi quan điểm của Đảng và nhà nước về vai trò của đội ngũ trí thức lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước trao 100 triệu đồng vào quỹ học bổng khuyến học khuyến tài của trường. Đồng thời trao 20 suất học bổng cho sinh viên với tổng số tiền 100 triệu đồng; tặng quà cho sinh viên tiêu biểu…