• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ai sẽ quản lý sinh viên làm thêm?

Đề xuất giới hạn không quá 20 giờ/tuần khi đi làm thêm đang nhận được nhiều sự quan tâm của sinh viên. Điều này một mặt giúp các bạn trẻ đảm bảo được việc học tập và kiếm tiền nhưng mặt khác cũng đang đặt ra câu hỏi cho cơ quan chức năng, ai sẽ quản lý giờ giấc khi sinh viên đi làm thêm?

Bộ LĐ-TB-XH vừa có dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, trong đó có đề xuất quy định thời gian làm thêm tối đa của sinh viên không quá 20 giờ/tuần khi đang trong học kỳ và không quá 48 giờ/tuần trong thời gian nghỉ. Đồng thời Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất các cơ sở giáo dục quản lý giờ làm thêm của sinh viên.

Cân bằng giữa học tập và kiếm tiền

Hiện nay, nhiều sinh viên đang phải đối mặt với áp lực cuộc sống, phải làm thêm để trang trải sinh hoạt và học phí. Điều này dẫn đến việc nhiều người phải “bớt xén” thời gian trên giảng đường để đi làm thêm, khó tập trung vào việc học tập.

Theo ý kiến của nhiều sinh viên, đề xuất quy định giờ làm không quá 20 tiếng/tuần sẽ giúp các bạn có thể cân bằng giữa việc học và làm việc. Họ sẽ có thời gian, tâm lực đủ để học tập hiệu quả.

Nhiều điểm tích cực của đề xuất giúp học sinh, sinh viên sắp xếp hợp lý thời gian thời gian học và kiếm tiền
Nhiều điểm tích cực của đề xuất giúp học sinh, sinh viên sắp xếp hợp lý thời gian thời gian học và kiếm tiền

Bạn Nguyễn Tiến Long, sinh viên trường Đại học Điện lực chia sẻ: “Việc quy định giờ làm không quá 20 tiếng/1 tuần giúp cho những người vừa đi học, vừa đi làm như mình có thể tập trung được vào việc học tập. Hiện tại, mình đang làm việc bán thời gian theo ca nên những lúc không đi học mình thường đăng ký ca làm vào khoảng thời gian đó. Mình thấy rằng với quy định không làm quá 20 giờ/1 tuần này, mình sẽ xây dựng một thời gian biểu cố định, đảm bảo ưu tiên việc chính là đi học trên trường và cũng không làm quá sức, chểnh mảng việc học tập”.

Việc cân bằng giữa việc học và làm thêm cũng giúp sinh viên phát triển các kỹ năng mềm như quản lý thời gian, làm việc nhóm và giao tiếp. Điều này sẽ rất hữu ích cho sự nghiệp và cuộc sống sau này của các bạn trẻ.

Đề xuất này cũng nhằm bảo vệ cho quyền lợi của người lao động. Việc giới hạn giờ làm giúp họ tránh bị kẹt trong công việc quá sức mà không có thời gian cho việc học hành và sức khỏe cá nhân.

Là một sinh viên hiện đang đi làm thêm, bạn Đào Thị Kim Oanh, sinh viên trường Đại học Ngoại thương cho hay: “Hiện mình đang làm cộng tác viên tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, mình làm chủ yếu vào cuối tuần. Công việc có 2 ca, mỗi ca 4 tiếng, sáng từ 7h30-11h30 hoặc từ 6h30-10h30, chiều từ 13h00-17h00 hoặc từ 13h30-17h30 (tùy vào giờ làm việc của các khoa). Với công việc chỉ làm vào cuối tuần nên lương trung bình của mình. mỗi tháng tầm 1,3 triệu đồng. Dù vậy mình đồng ý với đề xuất không làm quá 20h/ tuần, vì điều tạo cho sinh viên có thêm trải nghiệm và kiếm thêm chút thu nhập. Mình cho rằng, quy định này giúp sinh viên không bị ảnh hưởng tới sức khỏe và tình hình học tập. Mình thấy như thế là hợp lý”.

Nhiều bạn sinh viên bày tỏ sự đồng tình với quy định không làm quá 20h/1 tuần
Nhiều bạn sinh viên bày tỏ sự đồng tình với quy định không làm quá 20h/1 tuần

Nhiều bạn bạn trẻ đang theo học các trường đại học cho rằng, đề xuất quy định giờ làm không quá 20h/tuần cho sinh viên là một ý tưởng thiết thực và mang tính nhân văn. Nó giúp sinh viên có thể cân bằng giữa việc học và làm việc, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó, việc quy định các mức lương tối thiểu giờ cũng là một điều cần thiết để tạo điều kiện công bằng cho tất cả mọi người trong xã hội.

Lựa chọn kỹ khi nhận việc làm thêm

Có thể nói, quy định giới hạn sinh viên làm thêm không quá 20h/1 tuần nhằm định hướng, giúp sinh viên cân đối giữa thời gian học tập và làm thêm, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn về việc giao cho trường quản lý sinh viên làm thêm. Bởi rất khó nếu chỉ quản lý dựa trên những lời báo cáo của sinh viên.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ (Nam Từ Liêm), thực tế khá nhiều sinh viên có nhu cầu làm thêm để trang trải những khoản chi phí học tập, sinh hoạt. Vì thế, việc giao cho các trường quản lý giờ làm thêm của sinh viên lại rất khó khả thi.

“Các trường nên chú trọng vào việc hỗ trợ việc làm cho sinh viên, đặc biệt là những công việc gần, đúng với chuyên ngành, giúp các em vừa có thêm thu nhập, vừa có thêm kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn khi làm thêm. Nếu không giải quyết được bài toán về chi phí học tập, áp lực kinh tế cho sinh viên, thì quy định cứng số giờ làm thêm sẽ khiến nhiều em loay hoay, thậm chí gặp nhiều khó khăn khi theo học”, TS.BS Hồng Liên nhấn mạnh giải pháp.

Nhiều ý kiến lo ngại về việc sẽ quản lý sinh viên làm thêm như thế nào
Nhiều ý kiến lo ngại về việc sẽ quản lý sinh viên làm thêm như thế nào

Cũng theo TS.BS Hồng Liên, hiện nay hầu hết các trường đều có phương án, tạo điều kiện hỗ trợ sinh viên để các em tiếp cận các công việc làm thêm như giới thiệu, kết nối với doanh nghiệp. Từ đó giúp các em có thêm thu nhập, kiến thức, kinh nghiệm sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp. Với cách này, nhà trường cũng có thể tham gia quản lý giờ làm thêm của sinh viên và yên tâm về mức độ uy tín về cơ sở tuyển dụng. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách.

Có một thực tế hiện nay là không ít những trường hợp sinh viên vì mải mê làm thêm khiến việc học tập bị ảnh hưởng, thậm chí phải học lại, thi lại nhiều lần, chậm tốt nghiệp. Nhiều sinh viên để kiếm thêm thu nhập, các em làm thêm những công việc đơn giản như bưng bê, phục vụ ở các quán ăn, giao hàng… trong khi bản thân sinh viên đang được đào tạo bài bản về một ngành nghề nhất định. Điều này gây lãng phí nguồn lực lao động. Do đó, quy định khống chế thời gian làm thêm cho sinh viên là hợp lý. Khi đó các em sẽ có sự lựa chọn kỹ lưỡng hơn khi nhận việc làm thêm.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết